I- Thực hành tìm hiểu yếu tố nghị luận trong đoạn văn tự sự

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi để luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận.

luyen tap viet doan van tu su co su dung yeu to nghi luan

Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu văn nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn?

Gợi ý trả lời:

  • Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận được thể hiện qua những câu văn như: “Những điều viết trên cát sẽ nhanh chóng được xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”.Và trong câu kết: “Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi ân nghĩa lên đá”.
  • Vai trò của các yếu tố nghị luận ở những câu văn trên đã làm văn bản thêm đặc sắc, ý nghĩa và giàu tính triết lí, thâm sâu hơn.

II – Thực hành luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

Câu 1: Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một người bạn rất tốt?

Gợi ý trả lời:

Vào mỗi cuối tuần, lớp tôi thường tổ chức sinh hoạt để bình chọn ra những gương mặt tiêu biểu. Tổ chúng tôi quyết định đề cử Nam là người tiêu biểu nhất tuần này. Tuy nhiên, bạn Đức tổ 2 bỗng lên tiếng: “Mình nghĩ Nam chưa xứng đáng vì bạn ấy đã không tích cực tham gia hoạt động đá bóng tuần rồi của lớp”. Một số bạn nam trong lớp, nhất là các bạn trong đội bóng xôn xao và cho rằng điều đó là đúng. Nhưng rồi, tôi thay mặt cả tổ đã đứng lên xin phát biểu ý kiến. Sở dĩ cả tổ chúng tôi đều quyết định chọn Nam vì có nhiều lí do. Một là trong suốt học kỳ vừa qua và tuần vừa rồi, Nam đã học tập rất tiến bộ. Từ một học sinh Trung bình môn tiếng Anh, giờ bạn ấy đã đạt học lực khá. Thứ hai, trong tất cả các giờ học, bạn ấy rất tích cực hăng hái xây dựng phát biểu bài. Và đặc biệt, trong mọi hoạt động của lớp bạn ấy đều rất tích cực và nỗ lực tham gia. Còn vì sao tuần rồi bạn ấy không thể tham gia đội bóng là vì bố bạn ấy đang ở viện, mẹ phải vào chăm nên bạn ấy phải về nhà trông em và giúp mẹ cơm nước. Vì bạn ấy không muốn phiền người khác nên mới chỉ có một vài bạn thân trong tổ biết chuyện. Do vậy, “Các bạn đừng vội kết luận ai đó là không xứng đáng khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân”- phát biểu xong tôi ngồi xuống trong khi cả lớp im lặng như để ngẫm nghĩ sự việc.

Câu 2: Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận).

Gợi ý trả lời:

Bà ngoại ở với gia đình tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Vì thế, ngoài bố mẹ, bà là người tôi gắn bó hơn cả. Sau những giờ học, tôi thường cùng bà dạo chơi ở công viên. Mặc dù bà đã lớn tuổi, nhưng bà am hiểu rất nhiều về cuộc sống hiện đại. Bà luôn nhắc tôi thay vì xem ti vi điện thoại quá nhiều hãy ra ngoài chơi với thiên nhiên. Bởi cây cối, chim muông, hoa lá sẽ giúp tôi khỏe khoắn về tinh thần, minh mẫn về trí óc. Bà không chỉ nói mà còn hành động giúp tôi thấy rõ điều đó. Vì thế, chiều nào dù bận rộn đến mấy, bà vẫn cùng tôi ra công viên tập thể dục. Bà còn giới thiệu cho tôi về các loài cây, loài hoa có trong công viên mà bà biết. Nhờ đó mà vốn kiến thức về tự nhiên của tôi ngày càng phong phú. Và bà cũng luôn nhắc nhở tôi: “Môi trường thiên nhiên đã góp phần giúp cho cuộc sống của chính ta tươi đẹp, thì các cháu cần biết trân trọng và bảo vệ. Đừng bao giờ vứt xả rác bừa bãi, hay hái hoa bẻ cành nhé!” Chính những lời răn dạy đó của bà đã giúp tôi nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và cả ý thức bảo vệ môi trường mỗi ngày.