Trong chương trình, Luyện nói: Bài văn giải thích một số vấn đề khá quan trọng. Đây là tiền đề để em có thề viết các bài văn giải thích sau này. Do vậy em cần soạn bài cẩn thận, chi tiết.

I. Chuẩn bị ở nhà Luyện nói: Bài văn giải thích một số vấn đề 

Câu 1 SGK Ngữ văn 7 tập 2 – trang 98:

Lập dàn ý cho một trong các đề văn sau và chuẩn bị phát biểu miệng

a) Trường em tổ chức một cuộc thi giải thích tục ngữ. Để tham dự cuộc thi đó, em hãy tìm và giải thích một câu tục ngữ mà em tâm đắc.

b) Vì sao những tấn trò mà Va-ren bày ra với Phan Bội Châu lại được Nguyễn Ái Quốc gọi là những trò lố?

c) Vì sao nhà văn Phạm Duy Tốn lại đặt nhan đề Sống chết mặc bay cho truyện ngắn của mình?

d) Em thường đọc những sách gì? Hãy giải thích vì sao em thích đọc loại sách ấy.

Gợi ý:

a) Với đề (a), em nên chọn những câu tục ngữ đã được học trong chương trình sách giáo khoa. Sau đó tra từ điển để hiểu được nghĩa của câu tục ngữ đó. Em nên khai thác những hình ảnh đặc sắc và ý nghĩa sâu xa.

b) Trong đề (b), các em chọn bước đầu là giải thích nghĩa của cụm từ những trò lố. Sau đó đi vào trả lời cho câu hỏi: Tại sao những trò của Va-ren lại được gọi là những trò lố?

c) Để làm được đề (c), em cần phải tra từ điển nghĩa của cụm từ sống chết mặc bay. Sau đó tìm hiểu tại sao Phạm Duy Tốn lại sử dụng nó.

d) Với câu (d), em nên chọn thể loại sách mà bản thân thật sự yêu thích.

Tác phẩm Sống chết mặc bay (Internet)

Trả lời:

a)

Em chọn câu tục ngữ “Chị ngã em nâng”

– Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:

+ Chuyện thường tình trong cuộc sống chính là người làm anh làm chị phải có bổn phận chăm sóc, giúp đỡ và nâng niu những đứa em.

+ Tuy nhiên, trong cuộc sống ấy, mỗi khi anh chị gặp khó khăn, vấp ngã bởi những thất bại, may rủi thì phận làm em cũng phải giúp đỡ, lo lắng, chăm sóc.

+ Là anh chị em trong cùng một gia đình, cùng một dòng máu thì luôn phải nhường nhịn, giúp đỡ, bao bọc, che chở cho nhau.

– Dẫn chứng:

+ Thực tế, khi em nhỏ ngã thì anh chị sẽ nâng đỡ, dỗ dành em. Có phần ngon thì anh chị sẽ nhường nó cho những đứa em của mình.

+ Sự tích trầu cau là một câu chuyện cổ tích cảm động về tình anh em trong gia đình.

– Mặt khác: Chúng ta không nên giúp đỡ, bảo vệ những kẻ lười biếng.

b) 

– Giải thích ý nghĩa của cụm từ những trò lố:

+ Những hành động, lời nói huênh hoang, lố bịch, đáng buồn cười.

Những trò lố của Va-ren được tác giả nhắc đến:

+ Trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Va-ren đã hứa chăm sóc vụ Phan Bội Châu.

+ Toàn bộ những lời dụ dỗ, mời gọi xảo trá của hắn đều bị người anh hùng đáp trả lại bằng sự im lặng.

– Những trò của Va-ren bị coi là những trò lố vì:

+ Lời hứa chăm sóc Phan Bội Châu của Va-ren đều là lừa dối, lừa bịp để che mắt thiên hạ.

+ Sự khinh bỉ, không thèm để ý của chính Phan Bội Châu khiến trò của Va-ren trở thành những trò lố.

c)

– Giải thích ý nghĩa của cụm từ Sống chết mặc bay:

+ Cụm từ này bắt nguồn từ câu nói Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

+ Nó có nghĩa là mặc kệ số phận, cái chết của người khác, việc ta ta làm, việc ngươi ngươi chịu.

– Tác giả Phạm Duy Tốn lại chọn Sống chết mặc bay làm nhan đề vì:

+ Nó hoàn toàn phù hợp với nội dung và vấn đề mà câu chuyện bàn tới.

+ Nó khái quát được toàn bộ đối tượng cần lên án ở đây chính là bọn tham quan vô lại, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, vô nhân tính. Làm quan trong triều đình nhưng tham ô, hối lộ, đày đọa nhân dân, coi tính mạng nhân dân như cỏ rác.

+ Thể hiện được thái độ gay gắt nhất của Phạm Duy Tốn đến hạng người này.

d) 

– Em hãy chọn thể loại sách mà bản thân thật sự thích đọc và đam mê đọc. 

– Tham khảo một số thể loại sách cùng chức năng của chúng:

+ Sách giáo khoa: cung cấp, bổ sung những kiến thức chính thống, chính xác nhất, đầy đủ nhất về mọi lĩnh vực của cuộc sống.

+ Sách văn học: giúp em được vượt thời gian, nhìn lại quá khứ, nhìn thấy tương lai của thế giới, thậm chí đào sâu và hiểu được thế giới nội tâm đầy phức tạp của con người.

+ Sách đạo đức: bồi dưỡng tâm hồn và đạo đức của mỗi người.

+ Sách thiếu nhi: hay, thú vị, giúp chúng ta được giải trí.

+ Sách kỹ năng: cho em biết nhiều thứ mới lạ, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

II. Thực hành trên lớp Luyện nói: Bài văn giải thích một số vấn đề 

Câu hỏi:

1. Học sinh đại diện cho tổ, hoặc nhóm sẽ trình bày miệng cho cả lớp cùng nghe.

2. Một số học sinh tiêu biểu sẽ phát biểu trước lớp. Sau đó, thầy cô sẽ đánh giá và tổng kết lại.

Trả lời:

1. Em và các bạn sẽ làm các công việc sau:

– Chuẩn bị dàn ý thật chi tiết

– Lựa chọn dàn ý hay nhất để phát biểu trước cả lớp

2. Nghe những lời góp ý của cô và các bạn để hoàn thiện bài hơn. Sau đó tập viết thành bài văn hoàn chỉnh.

III. Yêu cầu Luyện nói: Bài văn giải thích một số vấn đề

Yêu cầu:

1. Các em phải trình bày, phát biểu miệng trôi chảy, tự tin, nói to, rõ ràng, dõng dạc.

2. Tư thế đứng phát biểu phải nghiêm chỉnh, từ tốn, khoan thai.

Trả lời:

1. Em luyện tập phát biểu ở nhà tốt, phát huy trên lớp. Khi trình bày cần ngắt nghỉ, nhấn mạnh phù hợp để truyền tải nội dung đến cô và các bạn.

2. Hít sâu để bình tĩnh, phong thái khi phát biểu nghiêm chỉnh, từ tốn, khoan thai. Khi được góp ý thì vui vẻ tiếp thu.