ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 KÌ II

ĐỀ BÀI – ĐỀ THI NGỮ VĂN KÌ II LỚP 11

 PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,

Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,

Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.

Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;

Cây bồng bềnh cười vui suốt ngày,

Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa;

Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa,

Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò,

Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò,

Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh,

Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh,

Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày.

Da bàn tay thường chạm với da cây,

Khuôn mặt người chạm vào mặt lá.

Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!

 Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau

                       (Đi trong rừng – Phạm Tiến Duật)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều trong bài thơ

Câu 3: Câu thơ

“Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

   Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”

gợi cho anh (chị) liên tưởng tới những phẩm chất nào của con người. Lấy một số ví dụ chứng minh cho phẩm chất này

Đề thi ngữ văn 11 kì II

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của lòng biết ơn.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

           ( Trích Vội vàng – Xuân Diệu – Ngữ văn 11, tập 2)

ĐỀ THI NGỮ VĂN KÌ II LỚP 11

ĐÁP ÁN

Đề thi Ngữ văn kì II

Phần I. Đọc – hiểu

     Câu 1.

Thể thơ: 8 chữ

Câu 2

Hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất

  • Liệt kê: Cây cúc đắng…

Cây bồng bềnh….

Cây chò, cây bứa…

  • Nhân hoá:

+ Cây ngả nghiêng chào

+ Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

+ Cây bồng bềnh cười vui suốt ngày…

Câu 3.

  • Câu thơ gợi liên tưởng đến phẩm chất vị tha, hi sinh, cống hiến của con người
  • Phẩm chất này có mặt ở khắp mọi nơi: cha mẹ với con cái trong gia đình, những con người giàu nhiệt huyết, tinh thần cống hiến ngoài xã hội (xung phong, tình nguyện tới những nơi khó khăn; tham gia cứu trợ, giúp đỡ)

 ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 KÌ II

Phần II. Làm văn

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của lòng biết ơn.

Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận. (Một xã hội văn minh, nhân ái là xã hội có sự hiện diện của lòng biết ơn)

* Các câu phát triển đoạn:

– Giải thích: lòng biết ơn là tấm lòng tri ân, luôn ghi nhớ công lao, sự giúp đỡ của người khác với mình, từ trong gia đình tới ngoài xã hội. Nó xuất hiện trong suy nghĩ, thái độ, hành động của con người đối với những điều tốt đẹp, những ơn nghĩa mình nhận được

– Ý nghĩa của lòng biết ơn:

+ Lòng biết ơn giúp ta trân trọng những điều người khác mang lại cho mình, biết sử dụng nó đúng mục đích, phát huy giá trị của những điều đó

+ Lòng biết ơn mang lại cho con người cảm giác được yêu thương, được chia sẻ, được giúp đỡ, khiến ta thêm yêu cuộc sống và có lí do gắn bó với mọi người

+ Con người có lòng biết ơn sẽ biết “trả ơn”, tức là làm những điều tốt đẹp trở lại với người khác, với cuộc đời, lan toả những giá trị tốt đẹp đi khắp mọi nơi

+ Khi con người có lòng biết ơn, có những hành động “trả ơn” ý  nghĩa sẽ có những cơ hội nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa

+ Phê phán một bộ phận sống không có lòng biết ơn, chà đạp lên những tình cảm, những việc làm tốt đẹp mà người khác dành cho mình

* Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: cần thiết phải có lòng biết ơn để có cuộc sống vui vẻ, gắn kết với cộng đồng

 Câu 2. Cảm nhận đoạn thơ

Mở bài:

Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, đoạn trích

  • Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ Mới”
  • Bài thơ “Vội vàng” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu
  • Đoạn thơ thể hiện một cách khám phá rất mới mẻ của nhà thơ về cuộc sống
Thân bài
  1. Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Diệu, bài thơ Vội vàng
  • Xuân Diệu đã mang đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
  • Bài thơ “Vội vàng” nằm trong tập thơ “Thơ thơ”, tập thơ đầu tay của Xuân Diệu
  • Đoạn trích thuộc phần đầu của bài thơ, thể hiện những cảm nhận và quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống

2. Cảm nhận đoạn thơ

  • Một bức tranh mùa xuân rực rỡ sắc màu, hương thơm, tràn đầy sức sống

Dưới cái nhìn tươi non của Xuân Diệu, mùa xuân thực sự là “mùa đầu tiên” trinh nguyên, tươi tắn: đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất;

  • Mùa xuân cũng là mùa của đắm say, hạnh phúc, vạn vật kết duyên từng đôi, từng cặp, tạo nên hương thơm, mật ngọt cho đời
  • Bức tranh thiên nhiên, sự sống được Xuân Diệu gợi lên vừa gần gũi, thân quen, vừa tươi non, đẹp đẽ, vừa quyến rũ, tình tứ. Hình ảnh màu sắc và âm thanh gợi liên tưởng đến mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và thổi vào đó một tình yêu rạo rực, đắm say, ngây ngất. Có thể nói, Xuân Diệu đã thực sự nhìn thấy một thiên đường ngay giữa chốn trần gian.
  • Nghệ thuật:

+ Điệp từ “này đây”, “và” được lặp đi lặp lại thể hiện rõ sự căng tràn của thiên nhiên, đồng thời, thể hiện rõ sự say mê, phấn chấn tột độ của nhà thơ khi đối diện với thiên nhiên, sự sống.

+ Cách so sánh độc đáo: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”: Dùng hình ảnh cụ thể của cơ thể người trẻ tuổi để nói về đơn vị thời gian trừu tượng gợi liên tưởng về tình yêu đôi lứa, thể hiện rõ sự cảm nhận nhiều chiều của thi nhân. Đây là câu thơ mới nhất, hay nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng.

+ Nghệ thuật đảo cú pháp: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật”,… đó là một cách diễn đạt rất Tây, một đặc điểm nổi bật của phong cách nghệ thuật Xuân Diệu.

– Đứng trước thiên nhiên căng tràn nhựa sống, nhà thơ sung sướng, phấn chấn, mê say. Tuy nhiên, cũng ngay lập tức, nhà thơ bộc lộ sự lo lắng, tâm trạng sợ hãi. “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm ngắt giữa câu thơ (ảnh hưởng của thơ Pháp) thể hiện rõ hai mạch cảm xúc, tâm trạng của tác giả.

– Quan niệm sống: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Nhà thơ trân trọng hiện tại, trân trọng và tận hưởng tuổi thanh xuân ngay khi còn có thể

Liên hệ với quan niệm của các nhà thơ trước đó: Không phải vô cớ mà Xuân Diệu có lời đề từ “Tặng Vũ Đình Liên”. Vũ Đình Liên là nhà thơ quan niệm vẻ đẹp cuộc sống thuộc về quá khứ (Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ)

Kết bài:

Đoạn thơ đưa ra một cái nhìn mới mẻ, tích cực của Xuân Diệu về cuộc sống. Quan niệm đó giúp mỗi người sống giá trị trong hiện tại, vui vẻ, hạnh phúc và cống hiến.