ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 –  CUỐI KÌ I 

 

ĐỀ THI NGỮ VĂN 11

Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ngày 27.10, tại Hội trường UBND xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), tòa án nhân dân huyện Hòa Bình mở phiên tòa lưu động, xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Sang (24 tuổi, ở ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, H.Hòa Bình) 5 tháng tù về tội “trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.

Theo cáo trạng, ngày 25.3.2019, Sang bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Sau khi khám sức khỏe xét tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2020 xong, Sang biết sẽ được gọi đi nhập ngũ nên thường xuyên vắng mặt ở nhà mục đích nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ngày 18.1, cha mẹ Sang nhận được lệnh gọi nhập ngũ của Sang nên yêu cầu Sang ngày 13.2 phải có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Bình để đưa đi nhập ngũ. Tuy nhiên, do không muốn nhập ngũ nên khi gần đến thời gian đưa quân, Sang đi lái xe thuê, cố tình không về nhà. Ngày 30.7, Hội đồng nghĩa vụ Quân sự huyện Hòa Bình có văn bản kiến nghị khởi tố xử lý hình sự đối với Sang.

Trước đó, ngày 25.9, tòa án nhân dân huyện Hòa Bình cũng mở phiên tòa lưu động, xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Chí Nguyện (24 tuổi, ở ấp Xóm Lớn B, xã Vĩnh Mỹ A, H.Hòa Bình) 4 tháng tù về tội “trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.

(Theo Thanhnien.vn ngày 27.10.2020)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2: Hãy nêu hậu quả của việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà Nguyễn Thanh Sang đã phải nhận sau phiên tòa? Theo anh/chị, tại sao Sang lại có hành động như vậy?

Câu 3: Anh/ chị hãy liên hệ với thực tế tại địa phương về vấn đề được đề cập trong văn bản. Nêu ngắn gọn thực trạng, hậu quả và đề xuất một số phương án giải quyết

ĐỀ THI NGỮ VĂN 11

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến qua đoạn trích sau:

          Nhưng kìa cụ ông đã về. Cụ cất tiếng rất sang hỏi: “Cái gì mà đông như thế này?” Chỗ này “Lạy cụ”, chỗ kia “Lạy cụ”, người ta kính cẩn đứng dãn ra, và Chí Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích, rên khẽ như gần chết.

            Thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chán tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

– Các bà đi vào nhà đi; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

      Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến cái sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì mà đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn khẽ lay mà gọi:

– Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng bởi cái cười:

– Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?

Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi:

– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

– Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.

Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát:

– Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên!

( Trích Chí Phèo – Nam Cao – Ngữ văn 11, tập 1)

ĐỀ THI NGỮ VĂN 11

ĐÁP ÁN

 

Phần I. Đọc – hiểu

Câu 1.

Phong cách ngôn ngữ: Báo chí

Câu 2

Hậu quả Sang phải nhận: 5 tháng tù

Nguyên nhân của việc trốn nghĩa vụ quân sự:

+ Lười biếng, sợ khổ

+ Thiếu hiểu biết về pháp luật , không có trách nhiệm với đất nước,

Câu 3.

– Vấn đề được nêu trong văn bản: thanh niên đang tuổi nghĩa vụ quân sự trốn tránh tham gia nghĩa vụ quân sự

– Liên hệ tại địa phương

+ Phần lớn thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự thực hiện nghĩa vụ nghiêm túc. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ cũng tìm cách trốn tránh nghĩa vụ bằng nhiều cách khác nhau: xăm mình, làm giấy tờ đau ốm giả, trốn tránh

+ Hậu quả: các đợt tuyển quân thiếu quân số; bản thân người trốn tránh trở thành người vi phạm pháp luật, luôn luôn phải trốn tránh, có nguy cơ đối diện với tù tội

+ Giải pháp: vận động, tuyên truyền, xử lí nghiêm để thanh niên ý thức được trách nhiệm của bản thân với đất nước

 ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 – Phần 2. Làm văn

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.

*Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận. (Một trong những phẩm chất cần thiết phải có của mỗi người khi sống trong cộng đồng, đó là phải sống có trách nhiệm)

* Các câu phát triển đoạn:

– Giải thích: sống có trách nhiệm là lối sống làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, chức trách với bản thân, gia đình và xã hội

– Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm:

+ Với bản thân: phát triển được bản thân với tất cả năng lực của mình; lo liệu được cho cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai

+ Với gia đình: không trở thành gánh nặng cho người khác, cùng góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình

+ Với xã hội:góp công góp sức xây dựng xã hội phồn vinh. Nếu tất cả mọi người đều sống có trách nhiệm thì không có tiêu cực, tệ nạn.

+ Phê phán một bộ phận giới trẻ sống không có trách nhiệm, sống buông thả, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội

* Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: cần thiết phải sống có trách nhiệm

 Câu 2. Cảm nhận hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến trong đoạn trích

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, đoạn trích

Hai nhân vật chính của truyện cùng xuất hiện trong đoạn trích này, bộc lộ rõ tính cách và thể hiện tư tưởng của tác giả

Thân bài

a.Giới thiệu khái quát về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo, đoạn trích

  • Nam Cao là nhà văn hiện thực hàng đầu thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Sáng tác của ông tập trung vào hai đề tài: người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Các tác phẩm đều thể hiện giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc
  • Truyện ngắn “Chí Phèo” là tác phẩm thành công đầu tiên của Nam Cao và cũng là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Các nhân vật của truyện ngắn này đã từ trang sách bước ra đời thực một cách vô cùng tự nhiên và hấp dẫn
  • Đoạn trích kể chuyện Chí Phèo sau khi đi tù về đến ăn vạ nhà bá Kiến. Trước khi đi tù, Chí hiền lành, lương thiện, nhưng sau 7, 8 năm đi tù, hắn trở về khác hẳn (chi tiết ngoại hình)

b. Phân tích nhân vật Bá Kiến

  • Bá Kiến xuất hiện đúng lúc tình hình căng thẳng (Lí Cường tát Chí Phèo, Chí cào mảnh chai vào mặt ăn vạ)
  • Nhìn qua Bá Kiến đã nắm được sự việc “thoáng nhìn qua cụ đã hiểu cơ sự” – kinh nghiệm của người thống trị lâu năm
  • Bá Kiến đuổi các bà vợ vào nhà, đuổi khéo dân làng về. Mục đich của việc này là cô lập Chí Phèo
  • Còn lại hai người, Bá Kiến “tấn công” Chí Phèo từng bước bằng những lời lẽ ân cần, thái độ mềm mỏng, tình cảm, “hạ gục” Chí bằng cách đề cao Chí là “người lớn”, “người nhà”

Kết quả của việc làm: Chí Phèo từng bước nguôi ngoai và đầu hàng “nguôi nguôi, cố làm ra vẻ nặng nề ngồi lên”

Qua từng bước xử lí, Bá Kiến bộc lộ rõ tính cách của một kẻ khôn ngoan, xảo quyệt, nhiều kinh nghiệm trong nghề thống trị, “trị người” một cách thật khôn khéo và cao tay, biến kẻ thù thành tay sai cho mình

c. Phân tích nhân vật Chí Phèo

  • Trước khi Bá Kiến về, Chí Phèo rất hung hăng và manh động. Hắn khiến mọi người e sợ
  • Bá Kiến về, từng bước làm Chí “nằm dài không nhúc nhích, rên khẽ như gần chết” rồi “đe doạ” một câu vớt vát “tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Tao mà chết…” và bị thu phục “ thấy lòng nguôi nguôi”
  • Qua diễn biến tâm lí, Chí Phèo bộc lộ điểm yếu của người nông dân thân cô thế cô, sức mạnh chỉ là sự hung hăng, liều lĩnh, dễ bị phỉnh nịnh, mua chuộc
  • Sau cuộc chạm trán này, Chí Phèo trở thành tay sai của Bá Kiến, thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”

d. Đặt hai nhân vật trong một tình huống truyện gay cấn, nhà văn làm nổi bật được tính cách của hai nhân vật này, cho thấy bản chất xã hội của nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại rất sinh động và chọn lọc.

Kết bài: Qua diễn biến sự việc và bộc lộ của hai nhân vật trong đoạn trích, nhà văn Nam Cao đã thể hiện tư tưởng hiện thực của mình và tài năng xây dựng nhân vật bậc thầy