ĐỀ THI HẾT HỌC KÌ I  NGỮ VĂN 11

MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA KIỂM TRA 

BẢNG ĐẶC TẢ KĨ THUẬT ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ I

ĐỀ THI HẾT HỌC KÌ I NGỮ VĂN 11 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Năm 2021, chính phủ Singapore phát động Kế hoạch Xanh 2030, một phong trào giúp mọi người có động lực để biến quốc đảo thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu. Một nội dung chính của Kế hoạch Xanh 2030 là dành thêm 50% diện tích đất (khoảng 200 ha) cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên cả nước để tăng hấp thụ CO2, giúp người dân được hưởng không khí trong sạch hơn và có nhiều bóng râm hơn.

Với tầm nhìn tạo ra một Thành phố Vườn và nâng cao đời sống chung của cộng đồng, Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore đã dành nhiều thập kỷ nhằm ‘xanh hóa’ các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian để chào đón mọi người đến tận hưởng, cũng như dành ra các khu vực đa dạng sinh học cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học bản địa của Singapore. Khi Singapore hướng tới xanh hóa cả nước, những thiết kế thân thiện với thiên nhiên trở nên rất quan trọng để khôi phục môi trường sống cũng như đảm bảo rằng cộng đồng tham gia vào những nỗ lực phủ xanh quốc gia.

Hiện nay, Singapore là một trong những thành phố xanh nhất thế giới.

Với những thách thức như thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng một Singapore dễ sống, bền vững và thích ứng với khí hậu hơn ngày càng lớn. National Parks Board đã tổ chức hơn 3.500 chương trình giáo dục về không gian xanh để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần.

“Tại Hội đồng Công viên Quốc gia, chúng tôi có 5 chiến lược chính để biến Singapore thành Thành phố Thiên nhiên: bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có của Singapore; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi thiên nhiên ở cảnh quan đô thị; tăng cường kết nối giữa các không gian xanh của Singapore; phát triển dịch vụ chăm sóc thú y, quản lý động vật và động vật hoang dã hoàn hảo”, ông Damian Tang, giám đốc thiết kế của Hội đồng Công viên Quốc gia, nói.

Cho đến nay, gần một nửa diện tích đất của Singapore được bao phủ trong không gian xanh và công dân của nước này cũng bắt đầu hưởng lợi từ nỗ lực phủ xanh của chính phủ. Đặc biệt nhất là trong cao điểm của đại dịch Covid-19, không gian xanh hoạt động như lá phổi của cả nước, tạo điều kiện cho việc hô hấp cũng như tạo không gian tập thể dục cho người dân cải thiện sức khỏe.

(Theo dantri.com.vn)

 Câu 1

Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2

Chỉ ra những biểu hiện của một đất nước Singapore “là một trong những thành phố xanh nhất thế giới”?

Câu 3

Theo anh/chị, những lợi ích nào người dân có thể được hưởng từ nỗ lực phủ xanh của chính phủ ?

Câu 4

Anh/chị rút ra một thông điệp qua đoạn trích trên?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ văn bản đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn ngắn (150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về việc cấp thiết phải trồng nhiều cây xanh cho cuộc sống của chúng ta.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về quá trình hồi sinh của nhân vật Chí Phèo qua đoạn trích sau:

          “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.

Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!

– Vải hôm nay bán mấy?

– Kém ba xu dì ạ.

– Thế thì còn ăn thua gì!

– Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi.

      Chí Phèo đoán một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Ðịnh về. Hắn nôn nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.

    Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.

Cũng may Thị Nở vào. Nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ mãi, thì đến khóc được mất. Thị vào cắp một cái rổ, trong có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên. (…)

     Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Và một cái gì nữa, giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo (…)

      Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Ðó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi (…)Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Ðã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện…

( Trích Chí Phèo – Nam Cao – Ngữ văn 11, tập 1)

ĐÁP ÁN 

Câu 1. (0,5 điểm)

Phong cách ngôn ngữ: Báo chí (0,5 điểm)

Câu 2 (1,0 điểm)

Chỉ ra những biểu hiện của một đất nước Singapore “là một trong những thành phố xanh nhất thế giới”?:

-“xanh hóa” các con đường và cơ sở hạ tầng,

– Biến các công viên và khu vườn thành không gian để chào đón mọi người đến tận hưởng,

– Có các khu vực đa dạng sinh học cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học bản địa

– Những thiết kế thân thiện với thiên nhiên

Câu 3. (0,75đ)

Những lợi ích nào người dân có thể được hưởng từ “nỗ lực phủ xanh của chính phủ?

– Nhiều cây xanh giúp người dân hô hấp tốt, cải thiện sức khoẻ

– Hạn chế những tác hại từ khí thải trong môi trường

– Cảnh quan đẹp, nhiều màu xanh mang lại chất lượng cho đời sống tinh thần

Câu 4. (0,75)

Học sinh rút ra  một thông điệp:

Gợi ý:

+ Thông điệp về tầm quan trọng của cảy xanh với môi trường sống.

(Lí giải ngắn gọn: nhận thức được tầm quan trọng đó mới dẫn tới hành động cụ thể, thiết thực để trồng cây xanh)

+ Thông điệp về hành động thiết thực và hiệu quả  để cải thiện môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu

(Lí giải ngắn gọn: thông điệp này chuyển tải tới người đọc lời kêu gọi hành động vì cuộc sống của chính mình và trái đất)

 

PHẦN II . LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc cấp thiết phải trồng nhiều cây xanh cho cuộc sống của chúng ta

Trả lời

– Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nhân loại vừa phải tìm cách giảm thiểu nguyên nhân, vừa phải nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục hậu quả

– Trồng cây xanh, trồng rừng là một giải pháp hiệu quả nhất: khắc phục hậu quả nhanh nhất và đảm bảo tính bền vững nhất

– Việc trồng cây xanh không khó thực hiện nên có thể tiến hành ngay lập tức và đồng bộ ở các quốc gia.

– Phải biến kế hoạch thành hành động

– Hành động của bản thân

Câu 2. Cảm nhận quá trình hồi sinh của nhân vật Chí Phèo qua đoạn trích 

Trả lời

Mờ bài: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, đoạn trích, vấn đề nghị luận (sự hồi sinh của Chí Phèo)

  • Nam Cao là nhà văn hiện thực tiêu biểu thời kì trước cách mạng
  • Truyện ngắn “Chí Phèo” là truyện ngắn làm nên tên tuổi của nhà văn
  • Một trong những giá trị quan trọng của tác phẩm là giá trị nhân đạo. Giá trị đó thể hiện sâu sắc cảm động qua đoạn trích Chí Phèo hồi sinh

Thân bài:

* Khái quát vị trí, nội dung của đoạn trích: Cuộc gặp gỡ với Thị Nở mà sự ân cần quan tâm, chăm sóc của Thị Nở đã thức dậy phần người đã bị vùi lấp trong Chí lâu nay. Trận ốm khiến Chí Phèo tỉnh rượu, là cơ hội để Chí nhìn lại cuộc sống và bản thân mình.

* Diễn biến tâm lý Chí Phèo:

– Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ:

+ Chí Phèo hoàn toàn tỉnh táo sau một cơn say dài miên man.

+ Sự trở lại của khả năng nhận thức về ngoại giới và về chính bản thân mình.

Hắn nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống (tiếng chim hót, tiếng cười nói của người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá), mường tượng ra khung cảnh bên ngoài: mặt trời lên cao, nắng rực rỡ…

Hắn thấy buồn, nghĩ tới quá khứ có ước mơ giản dị của mình. Nghĩ tới hiện tại, lo lắng cho tương lai “tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc”

– Từ ngạc nhiên, xúc động tới ước mong hạnh phúc và khát khao hoàn lương khi Thị Nở mang cháo vào cho hắn

+ Hành động mang “một nồi cháo hành còn nóng nguyên” vào của Thị Nở đã khiến Chí hết sức “ngạc nhiên” rồi từ chỗ “ngạc nhiên” hắn thấy “mắt hình như ươn ướt” (xúc động). Hắn cảm nhận được vị ngon vô cùng của bát cháo

+ Hành động chăm sóc ân cần của Thị Nở đã khiến Chí “ăn năn”, “thấy lòng thành trẻ con” và “muốn làm nũng với Thị như với mẹ”.

-> Chí Phèo hiền lành đến khó tin, trở lại nguyên tính anh canh điền ngày xưa.

+ Chí khao khát hạnh phúc và một mái ấm gia đình

+ Chí muốn được trở lại làm người bình thường, làm một người dân hiền lành, lương thiện ở làng Vũ Đại “thèm lương thiện”, muốn làm hoà với mọi người…

Qua sự hồi sinh của Chí Phèo, Nam Cao muốn đưa ra thông điệp về tình thương: tình thương chân thành có thể dễ dàng cảm hoá con người, giúp họ thức tỉnh bản tính lương thiện

– Nghệ thuật: nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật sâu sắc,  khả năng trần thuật linh hoạt lôi cuốn hấp dẫn người đọc…

* Đánh giá: 

– Đoạn trích không chỉ xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo mà còn giúp nhà văn gửi gắm giá trị tư tưởng nhân đạo: khẳng định bản chất lương thiện của con người và sức mạnh thức tỉnh lương tâm ở họ…

– Liên hệ với các nhân vật hiện thực khác để thấy sự gặp gỡ và sáng tạo của nhà văn: nỗi khổ của Chí Phèo với nỗi đau khổ của lão Hạc; sự thức tỉnh của Chí Phèo với sự thức tỉnh của Hộ trong “Đời thừa”

Kết bài:

Nêu ý nghĩa quan trọng của sự việc được nêu trong đoạn trích. Đánh giá về thành công của tác phẩm và vị trí của Nam Cao trên văn đàn