ĐỀ THI CUỐI NĂM 

Môn: Ngữ văn, Lớp: 11

ĐỀ THI CUỐI NĂM

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

 Bạn là một nhãn hiệu. Dù bạn nghĩ gì đi nữa, khi người ta nghe tên bạn, họ liên tưởng ngay đến điều gì đó. Khi nhìn thấy bạn, họ nảy sinh một cảm xúc nhất định. Dù thích hay không, bạn (và danh tiếng của mình) thực sự là một nhãn hiệu. Vậy nên tôi đề nghị bạn hãy biết quản lí nhãn hiệu ấy thật tốt. Thực ra, điều tôi thực sự muốn khuyến khích bạn là hãy thực hiện những bước cần thiết để trở thành một trong những nhãn hiệu được ưa chuộng. Một nhãn hiệu liên tưởng đến sự “mới mẻ”, “gắn bó”, “độc đáo”, “cách mạng”.

Có những nhãn hiệu nổi tiếng xuất hiện ngay trong tâm trí bạn như Apple, Virgin, Prada. Chúng rất tân thời, tươi mới, thời trang. Chúng đứng vững trong một thế giới yêu thích những tư tưởng cách tân. Chúng khiến ta phải kinh ngạc. Bạn cũng nên làm thế – cho chính mình,

Bạn cần gì để trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng? Để mỗi khi nghĩ về bạn, người ta hình dung trong đầu những từ như “đổi mới”, “tầm cao” hoặc “duy nhất”? Bạn cần gì để trở thành một Steve Jobs trong nhóm làm việc của mình, một Salvador Dali hay một Rusell Simmons trong công ty của mình? Làm thế nào để vượt trội trong việc bạn làm, với con người của bạn, để mọi người đều thích bạn? Hãy suy ngẫm về nó. Hãy hành động dựa trên nó.

 (“Đời ngắn đừng ngủ dài” Robin Sharma, NXB Trẻ, 2018)

 Câu 1: Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Theo tác giả, “nhãn hiệu” của một người gắn liền với những yếu tố nào?

Câu 3:

Nhận diện nhãn hiệu của bản thân: mọi người nói bạn là con người như thế nào? Theo bạn, thế mạnh nào sẽ tạo nên “nhãn hiệu” vững vàng của bạn? Giải thích rõ lí do

 Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Bạn cần làm gì để trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng? Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trả lời câu hỏi trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

           ( Trích Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử– Ngữ văn 11, tập 2)

 

ĐỀ THI CUỐI NĂM

ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Phong cách ngôn ngữ chính luận

Câu 2

Theo tác giả, “nhãn hiệu” của một người gắn liền với những yếu tố: sự “mới mẻ”, “gắn bó”, “độc đáo”, “cách mạng

Câu 3.

Nhận diện nhãn hiệu của bản thân: mọi người nói bạn là con người như thế nào?

Liệt kê một số đặc điểm của bản thân bạn, ví dụ: vui vẻ, năng động, tự tin, sáng tạo

Theo bạn, thế mạnh nào sẽ tạo nên “nhãn hiệu” vững vàng của bạn

  • Lựa chọn thế mạnh của bản thân. Lí giải cơ sở để bạn tin đó sẽ là thế mạnh của bạn

Ví dụ: sự sáng tạo

Trong thực tế, khả năng sáng tạo đã giúp tôi học tập tốt hơn, có nhiều sáng kiến trong thực hiện công việc học tập và hoạt động khác. Tôi tin rằng năng lực đó sẽ phát huy tốt để giúp em thành công.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc cần làm để trở thành “một nhãn hiệu nổi tiếng”

Câu mở đoạn: Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu cao nhất của con người là được thể hiện bản thân. Tuy nhiên để trở thành “một nhãn hiệu nổi tiếng” mỗi người cần biết rõ mình phải làm gì để đạt mục tiêu

* Các câu phát triển đoạn:

– Giải thích: “một nhãn hiệu nổi tiếng” của bản thân là những đặc điểm nổi bật về tính cách, phẩm chất; năng lực; những lĩnh vực người đó tham gia tạo nên sự thành công, được đánh giá, ghi nhận

Ví dụ: ca sĩ Mỹ Tâm; cầu thủ Ronaldo, nhà vật lí Stephan Hawking.

– Làm gì để trở thành một “nhãn hiệu nổi tiếng”:

+ Xác định được thế mạnh của bản thân về tính cách, năng lực, phẩm chất

+ Định hướng phát triển: học tập, rèn luyện sức khoẻ, tham gia các hoạt động phát triển bản thân theo mục tiêu, càng ngày càng vươn tới những môi trường, phạm vi rộng hơn

+ Tuy nhiên không tạo nhãn hiệu bằng mọi cách, nhất là những giải pháp tiêu cực, vi phạm pháp luật.

* Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: cần xây dựng nhãn hiệu cho bản thân ngay hôm nay.

 Câu 2. Cảm nhận đoạn thơ

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, đoạn trích

  • Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới
  • Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ xuất sắc, là một trong những bài được nhiều người biết đến nhất của Hàn Mặc Tử.
  • Đoạn thơ thể hiện tình cảm cùa nhà thơ với cuộc đời qua một bức tranh thiên nhiên nên thơ của xứ Huế

Thân bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Hàn Mặc Tử, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

  • Hàn Mặc Tử, số phận bi thương nhưng lại là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, người có sức sáng tạo mãnh liệt.
  • Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” nằm trong tập thơ “Thơ điên” (Đau thương),
  • Bài thơ được sáng tác năm 1938, khi Hàn Mặc Tử đã biết mình mặc trọng bệnh; là tiếng lòng thiết tha của Hàn Mặc Tử với cuộc đời trần thế

Cảm nhận đoạn thơ

  • Câu thơ đầu: mở đầu cho bài thơ; là một câu hỏi gợi ra nhiều suy tư, cảm xúc

+ Đó có thể là lời trách nhẹ nhàng, lời mời rất tình cảm dễ thương của một cô gái Huế với “anh”

+ Đó có thể là sự phân thân, nhà thơ tự hỏi chính lòng mình lâu “không về chơi thôn Vĩ”

  • Ba câu thơ sau là một bức tranh thôn Vĩ buổi sớm mai hiện lên trong trí tưởng tượng của nhà thơ – một cuộc hành hương tưởng tượng với hình dung về thôn Vĩ

+ “Nhìn” là động từ thuộc về chủ thể ẩn mình, đó chính là “anh” trong cuộc hành hương bằng tâm tưởng. Anh “nhìn” thôn Vĩ từ xa cho tới lúc tới rất gần bên những khu vườn xanh tốt.

+ Hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” cùng điệp từ “nắng” gợi lên không gian trong trẻo, tinh khôi của buổi sớm mai với ánh nắng chiếu rọi lên ngọn cây cau, loài cây mọc cao nhất trong vườn. Những thân cau, tàu lá tạo nên những đường nét thanh mảnh đầy ấn tượng

+ Lại gần hơn, điểm nhìn rơi xuống thấp: “vườn ai”. Đại từ “ai” phiếm chỉ gợi thương nhớ xa xôi, bâng khuâng trước một khu vườn quen mà lạ

+ Ấn tượng về “vườn ai” là vẻ đẹp “mướt quá, xanh như ngọc”, vẻ đẹp khiến người đi xa về phải trầm trồ “mướt quá”. “Mướt” gợi lên sự tươi tốt của cây lá được chăm sóc, tươi tắn, xum xuê. Màu “xanh như ngọc” lần đầu tiên được Hàn Mặc Tử dùng tả màu lá. Màu xanh sang trọng, đẹp đẽ ấy là sự cộng hưởng của sắc xanh và ánh sáng. Cả khu vườn ngời lên rực rỡ trong ánh nắng

+ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”: có 2 cách hiểu về gương mặt chữ điền. Đó có thể là gương mặt phúc hậu của một người dân thôn Vĩ; đó cũng có thể là gương mặt của chính nhà thơ đang tiếp tục cuộc hành trình của mình, đã tới đứng trước khu vườn đẹp

  • Những hình ảnh thiên nhiên giản dị nhưng mang vẻ đẹp lộng lẫy của “chốn nước non sơn thanh thuỷ tú”. Một phần vì vẻ đẹp ấy hiện lên trong tưởng tượng của nhà thơ đang thiết tha nhớ về thôn Vĩ.
  • Đoạn thơ không trực tiếp thể hiện tâm trạng nhà thơ nhưng qua hình ảnh thôn Vĩ, ta thấy được tình yêu, nỗi nhớ nhung khôn nguôi của Hàn Mặc Tử với một nơi không còn thể trở về
  • So sánh liên hệ đoạn thơ với “Tràng giang” để thấy sự khác biệt về bút pháp miêu tả thiên nhiên, cách dùng từ, biện pháp tu từ, sáng tạo hình ảnh khác hẳn với Huy Cận và các nhà thơ mới khác

Kết bài:

Đoạn thơ thể hiện tâm trạng yêu đời, thiết tha với cuộc đời của một hồn thơ đặc biệt qua cách thể hiện những rung cảm về thiên nhiên