Phân tích người đàn bà hàng chài

Mở bài

Nguyễn Minh Châu được cho là một trong những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông đã góp phần thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, đi sâu khám phá bên trong con người, đặc biệt là những người mưu sinh nhọc nhằn để kiếm tìm hạnh phúc. Và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đã để lại cho người đọc nhiều suy tưởng, trăn trở về cuộc sống thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài. Phân tích người đàn bà hàng chài xuất hiện trong câu chuyện của Phùng qua chiếc thuyền ngoài xa và chính câu chuyện số phận cuộc đời chị kể ở tòa án huyện. Điều đó đã gây xúc động mạnh, sự trăn trở không chỉ đối với người đọc. Người đàn bà hàng chài vất vả, lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, hy sinh, đầy vị tha cao cả đã nhận được sự cảm thông, trân trọng bởi những phẩm chất đáng quý ấy. 

Phân tích người đàn bà hàng chài

Thân bài phân tích người đàn bà làng chài

  • Luận điểm 1: Giới thiệu tên tuổi

Qua cách nhìn của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài được giới thiệu không có tên cụ thể, chỉ được gọi phiếm định “người đàn bà hàng chài”, “mụ”. Còn tuổi cũng không miêu tả chính xác, mà chỉ “trạc ngoài bốn mươi”. Đây là một người vô danh như bao người đàn bà vùng biển khác. Tác giả không đi sâu vào chi tiết tên tuổi của người đàn bà hang chài mà tập trung vào thể hiện tâm trạng, số phận của nhân vật một cách rất chi tiết, đầy xúc động. 

  • Luận điểm 2: Vóc dáng ngoại hình

Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, nhà ở phố huyện sống bằng nghề buôn bán bả lưới, nhưng ngay từ nhỏ chị đã có một ngoại hình xấu xí. “Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa”. Tác giả đã khắc họa chị với vẻ ngoài thô kệch, xấu xí, khuôn mặt rỗ càng khó nhìn hơn khi bước sang tuổi trạc ngoài 40. Người đàn bà hàng chài này đâu có vẻ đẹp “trời phú”, mà có dáng vóc đặc trưng của người đàn bà miền biển. Dáng vẻ của người đàn bà này đã phần nào thể hiện quãng đời cơ cực, bất hạnh, lam lũ, mất hết sinh lực, niềm vui, sức sống. “Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”.

Người đàn bà hàng chài còn được lột tả sự nghèo khổ đầy chân thực qua chi tiết “tấm áo bạc phếch có miếng vá, bửa than dưới ướt sũng”. Từ cách hành xử, đi đứng “tìm đến một góc tường để ngồi”, càng làm cho mụ trở nên đáng thương đến tội nghiệp. Một người phụ nữ từng trải đời ở vùng biển này lại tự ti, mặc cảm khi đối diện với con người “cặp mắt nhìn xuống chân”, tay “buông thõng xuống” thể hiện tính cách nhẫn nhục, cam chịu.

  • Luận điểm 3: Số phận đau khổ, bất hạnh

Phân tích người đàn bà hàng chài mới thấy Người đàn bà hàng chài mang trong mình một nỗi bất hạnh. Ngay từ thời con gái, mụ không có nhan sắc, không may mắn trong tình yêu. Vì xấu xí, trong phố không ai lấy nên chị có mang với một anh con trai hang chài đến nhà chị mua bả về đan lưới. Lúc ấy, gã chồng hiện thời của chị tuy cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập chị tàn nhẫn như bây giờ. Giờ chị phải sống trong những ngày tháng bấp bênh, cơ cực trên chiếc thuyền chài, đói nghèo dai dẳng, bị hành hạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, chị còn bị người chồng “trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Trước hành động tàn bạo của người chồng ấy, người đàn bà hàng chài không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn. Thậm chí chị ta còn “tự nguyện đi vào bãi xe tăng hỏng để chồng đánh”, chị chấp nhận những đòn roi như một phần của cuộc sống. 

  • Luận điểm 4: Vẻ đẹp tâm hồn và tính cách

Bên trong vóc dáng thô kệch ấy, vẻ ngoài rách rưới là vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người đàn bà hàng chài khiến người đọc đồng cảm, khâm phục. Người đàn bà hàng chài từng trải có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Chị hiểu lẽ đời, hiểu việc mình làm và chấp nhận cuộc sống ấy chứ hoàn toàn không phải do dốt nát, lạc hậu như chị tự nhận. Bởi chị sống trong bi kịch vì thế chị chấp nhận bi kịch. “Đám đàn bà hang chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Chị nhận thức được rằng, nghề biển không thể thiếu người đàn ông – chỗ dựa quan trọng trong cuộc đời đi biển của chị. Vì thế chị cam chịu.

Giàu tình thương, giàu lòng vị tha cao cả. Dù chồng đánh như thế nhưng chị không trách móc mà lại cảm thông cho hành động đó của chồng. Chị kể: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Chị còn kéo tội lỗi về mình để bênh chồng “giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được chiếc thuyền rộng hơn…”. Chị hiểu đời nên chị hiểu nỗi khốn khổ và bế tắc của chồng. Chị chấp nhận những trận đòn giống như cách giải tỏa bức bách, u uất trong lòng chồng. Phải thương chồng, hy sinh và hiểu chồng mình lắm, chị mới làm được như vậy.

Người đàn bà hàng chài còn hiện lên với vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng. Chị nói rằng, “Người đàn bà hàng chài chúng tôi sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Chị đau đớn, xấu hổ khi con trai mình – thằng bé Phác nhìn thấy cảnh trái ngang. Chị xin chồng lên bờ đánh mình để đừng cho con thấy “sau này con cái lớn lên, tôi mới xin lão… đưa tôi lên bờ mà đánh”. Người đàn bà hàng chài ra sức bảo vệ gia đình của mình “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”.

Hạnh phúc của chị là được nhìn “đàn con chúng nó được ăn ngon”, “khuôn mawjt xám xịt của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười”. Chị thương con hết mình và sẵn sàng làm tất cả vì con. Đây là đức tính nổi bật, đáng quý của người phụ nữ Việt Nam: hết mức yêu chồng thương con và sẵn sàng hy sinh vì gia đình của mình. Trong chị vẫn luôn có niềm tin vững bền về một tình yêu, sự lạc quan vào cuộc sống, hướng về phía trước để sống. Hạnh phúc của người đàn bà hàng chài thật giản dị, nhưng không kém phần sâu sắc. 

Kết bài

Phân tích người đàn bà hàng chài mới hiểu rõ tính cách của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại. Chúng ta không khỏi xót xa, cảm thương cho số phận của người đàn bà hàng chài khi chịu đựng cuộc sống bị đánh đập, đói nghèo bủa vây. Và đồng thời, chúng ta trân trọng sự hy sinh, cam chịu, tình yêu thương vô bờ bế của họ dành cho chồng, cho con. Dù nghèo đói, dù bị chà đạp thế nào đi chăng nữa, vẻ đẹp tâm hồn họ không có gì có thể làm lấm bùn, thui chột, xóa mờ. Nguyễn Minh Châu đã sử dụng biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm hồn để đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, mâu thuẫn của con người. Ông đã có cái nhìn mới mẻ về con người đời thường, lam lũ, vất vả, nhưng ẩn chứa nét đẹp tâm hồn.

>> Xem thêm: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa chính xác