Câu hỏi cho Chương trình địa phương (Phần Văn)

Câu hỏi: Giới thiệu di tích, thắng cảnh địa phương. Mỗi học sinh, theo sự phân công của thầy, cô giáo, chọn một di tích, thắng cảnh ở địa phương mình, điều tra, tìm hiểu, nghiên cứu rồi viết một bài văn thuyết minh không quá 1000 chữ. (Lưu ý: Có thể tham khảo nhưng không nhưng được chép lại bài đã có sẵn).

Trả lời:

Mở bài

Nam định – thành phố dệt, thành phố của quê tôi. Nơi đây không chỉ có truyền thống hiếu học, ham học với nhiều giải thưởng cao quý mà còn có những di tích lịch sử rất đỗi thiêng liêng. Những trầm tích cổ kính là minh chứng cho một quá trình phát triển của nơi đây. Và một trong số đó không thể bỏ qua khu di tích lịch sử đền Trần.

Thân bài

  • Luận điểm 1: Giới thiệu khu di tích

Khu di tích lịch sử đền Trần tọa lạc phường Lộc Vượng, trải dài dọc theo quốc lộ 1, trực thuộc đất của thành phố Nam Định. Vào năm 1965, ngôi đền được xây dựng ngay trên chính nền Thái miếu cũ của đời nhà Trần bị quân Minh phá hủy vào cuối thế kỷ XV. Đền Trần gồm ba khu chính gồm: đền Thượng, đền Hạ và đền Trùng Hoa. Ngoài ra còn có thêm ngũ môn, hồ nước, giải vũ, nghi môn.

  • Luận điểm 2: Miêu tả khu di tích

Bước chân vào khu di tích lịch sử đền Trần, chúng ta sẽ đi qua một con đường ngợp bóng cây xanh. Xa xa là một hồ nước. Nước dưới hồ trong vắt có những bông hoa súng nở rộ tím biếc. Những đàn cá chép vàng tung tăng bơi lội.

Đi qua hồ nước chúng ta đến với đền Thượng. Ngôi đền này nằm ở trung tâm khu di tích gồm 5 gian nhà. Toàn bộ thiết kế đều được làm từ gỗ lim. Chính vì vậy khi bước vào trong sân ta có thể cảm nhận được mùi gỗ nồng nàn.

Xung quanh đền Thượng được trồng rất nhiều cây nhãn. Điều này giúp cho sân luôn thoáng mát vào bốn mùa. Lúc nào đến đây, du khách đều thấy nhẹ nhõm, sảng khoái khi được ngửi mùi hương thoang thoảng của các loại hương. Tại đây là nơi thờ phụng 14 đời vua Trần cùng các quan, tướng lớn. 

Đi ra phía đông chúng ta đến ngay với đền Hạ, hay còn được gọi là đền Cố Trạch. Đây chính là nơi thờ vị tướng Trần Hưng Đạo cùng gia đình cha mẹ, vợ con, con rể… Nếu so với đền Thượng thì nơi đây lại thanh tịnh hơn rất nhiều. Xung quanh được bao trùm bởi thiên nhiên trong xanh, tươi mát nhưng không kém phần uy nghiêm, thành kính.

  • Luận điểm 3: Khu đền Trung Hoa

Tiếp đến chúng ta sẽ bước vào đền Trùng Hoa. Đây chính là nơi mà các vị vua thời xưa thường lui tới để tham vấn các vị Thái thượng hoàng.

Ngay khi bước vào ta sẽ cảm nhận được sự giản dị hơn rất nhiều so với đền Thượng và đền Hạ. Tại đây có đặt 14 bức tượng đồng tương đương với 14 vị vua nhà Trần ở chính tâm của đền.

Sau khi hành lễ, thắp hương thì ở bên tay phải sẽ có một viện bảo tàng thu nhỏ. Nơi đây được trưng bày những thứ liên quan đến nhà Trần cùng các triều đại khác, hay những trận chiến vẻ vang của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.

  • Luận điểm 4: Lễ khai ấn

Tại đền Trần, hằng năm người dân Nam Định thường tổ chức buổi lễ khai ấn. Diễn ra vào đêm rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lúc này có rất nhiều khách từ tứ xứ tụ hội về tham dự nghi lễ trang trọng cũng như xin ấn. Ấn được đền Trần phát sẽ xua đuổi tà khí, xua đuổi những điều không may. Và đem đến những may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám âm lịch còn có lễ hội đền Trần nhằm ghi nhớ công ơn của 14 đời vua nhà Trần.

Kết bài

Có câu “Đầu năm mới, viếng thăm chợ Viềng Xuân – Về khai ấn nơi đền Trần chùa Tháp”. Đền Trần đẹp lắm, thiêng liêng lắm, đó là những cảm nhận của chính người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Định. Và còn là cả những du khách từ mọi miền tổ quốc đổ về đây.

Trên đây là bài văn trong Chương trình địa phương (Phần Văn) em có thể tham khảo. Em lựa chọn địa danh nổi tiếng tại quê hương để viết được bài văn hay, sâu sắc nhất.