Bố cục: Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới

  • Phần 1: Từ đầu …. Càng nổi trội: Nội dung xoay quanh vấn đề chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới. 
  • Phần 2: Tiếp theo … điểm yếu của nó: Bối cảnh  thế giới hiện tại và nhiệm vụ của đất nước. 
  • Phần 3: Tiếp theo… và hội nhập: Nê lên điểm mạnh, yếu của người Việt Nam. 
  • Phần 4: Còn lại: Nội dung thể hiện nhiệm vụ của thế hệ trẻ khi bước vào thế kỷ mới. 

Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới

I – Đọc hiểu văn bản 

Câu 1: Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới – SGK Ngữ Văn 9 Tập 2, trang 30

Tác giả viết bài này trong thời điểm nào của lịch sử? Bài viết đã nêu vấn đề gì? Ý nghĩa thời sự và ý nghĩa lâu dài của vấn đề ấy.

Những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn và cấp bách đang đặt ra cho đất nước ta, cho thế hệ trẻ hiện nay là gì?

Trả lời:

– Thời điểm viết: Văn bản được tác giả viết vào đầu năm 2001 – thời điểm chuyển giao giữa 2 thế kỷ (20 và 21). Với nước ta đây là giai đoạn quan trọng, tiếp bước công cuộc xây dựng, phát triển và đổi mới từ cuối thế kỷ 20. 

– Vấn đề được nhắc tới: Thế hệ trẻ Việt Nam chuẩn bị hành trang, tâm thế vào thế kỷ mới: “Giới trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới”. 

– Ý nghĩa thời sự và ý nghĩa lâu dài: Bài viết ra đời đúng thời điểm đất nước bước vào giai đoạn chuyển mình. Nó giống như nền tảng vững chắc, đánh giá và nhìn nhận lại những gì đã đạt được, đồng thời nhận ra những điều thiếu sót. 

Cùng với đó, tác giả cũng không quên nhấn mạnh vấn đề phát huy điểm mạnh hiện có. Đồng thời khắc phục những yếu kém vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam. Có như vậy mới thay đổi toàn bộ giúp người Việt hội nhập và phát triển một cách hiệu quả. 

  • Những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn và cấp bách đang đặt ra cho đất nước ta, cho thế hệ trẻ hiện nay là gì?

Nhiệm vụ của thế hệ trẻ được nhắc đến trong bài: Nhiệm vụ quan trọng nhất của thế hệ trẻ chính là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước bắt kịp nền kinh tế tri thức. Muốn được như vậy, chúng ta sẽ phải “lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu” “quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất. 

Câu 2:

Hãy đọc lại cả bài và lập dàn ý theo trình tự lập luận của tác giả.

Trả lời

Văn bản được tác giả đưa ra những lập luận chặt chẽ. Qua đó người đọc thấy ngay được tính logic, sự bức thiết trong nhiệm vụ cần phải thực hiện. Cụ thể, trình tự lập luận được triển khai như sau:

Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề những việc giới trẻ cần làm trước khi bước vào thế kỷ mới.

Thân bài:

  • Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới trong đó quan trọng nhất chính là “sự chuẩn bị bản thân con người”. 
  • Nêu rõ bối cảnh hiện tại của thế giới “chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỷ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn”. Song song với đó đưa ra nhiệm vụ cần kíp của đất nước đó chính là “cùng lúc giải quyết 3 nhiệm vụ: Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức”. 
  • Nêu lên những điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam trước khi bước vào thế kỷ mới. Chẳng hạn như: Thông minh, nhạy bén. Hay “những lỗ hổng về kiến thức cơ bản”, thiếu khả năng thực hành, sáng tạo. 

Kết luận: Chốt lại vấn đề bằng nhiệm vụ mà thế hệ trẻ Việt Nam cần gánh vác. 

Câu 3:

Trong bài này, tác giả cho rằng: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”. Điều đó có đúng không, vì sao?

Trả lời: 

Trong văn bản, tác giả cho rằng: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”. Điều này hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở. Bởi:

  • Thứ nhất, con người là chính là người nắm giữ vận mệnh của đất nước. Một quốc gia thịnh hay suy đều phụ thuộc vào con người – nhân dân. Như bác Hồ từng nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, hay như Nguyễn Trãi từng rằng “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. 
  • Thứ hai, máy móc, thiết bị, sự phát triển của khoa học kỹ thuật dù hiện đại tới đâu cũng đều là từ bàn tay con người mà thành. Người ta nghiên cứu, chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của chính họ. Vậy nên, chúng không thể nào thay thế được vị trí, vai trò của con người trong sự phát triển của xã hội. 

Câu 4 – Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới – SGK Ngữ văn 9 – tập 2 trang 31

Tác giả đã nêu ra và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu nào trong tính cách, thói quen của người Việt Nam ta? Những điểm mạnh, điểm yếu ấy có quan hệ như thế nào với nhiệm vụ đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay?

Trả lời

Qua bài viết tác giả đã nêu ra những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen của người Việt Nam như sau:

Điểm mạnh:

  • Thông minh, nhạy bén với cái mới. 
  • Cần cù, sáng tạo. 
  • Đoàn kết, đùm bọc theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. 

Điểm yếu:

  • Lỗ hổng về kiến thức cơ bản, khả năng thực hành, sáng tạo bị hạn chế do lối mòn học chay, học vẹt. 
  • Thiếu đức tính tỉ mỉ, hành động theo tư duy nông nghiệp “nước đến chân mới nhảy”, “liệu cơm gắp mắp”, không có kế hoạch, tính toán. 
  • Chưa tôn trọng những quy định nghiêm ngặt trong công việc. 
  • Làm tắt, không coi trọng quy trình công nghệ. 
  • Còn tính đố kỵ đối với người hơn mình, ảnh hưởng nặng nề lối suy nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn”, lối sống theo thứ bậc thời phong kiến. 
  • Thói quen bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại, bài ngoại quá mức. 
  • Khôn vặt, bóc ngắn cắn dài, không tôn trọng chữ “tín” 

Những điểm mạnh, điểm yếu ấy có quan hệ như thế nào với nhiệm vụ đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay?

Những điểm mạnh, điểm yếu kể trên tác giả không chỉ liệt kê giản đơn mà lồng ghép với nhau. Khi nêu một ưu điểm lại đề cập đến một nhược điểm. Đặc biệt, những ưu – nhược điểm đó luôn đặt trong yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 

Điểm mạnh sẽ giúp người Việt Nam dễ dàng thích ứng với nền kinh tế và sự phát triển hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, nhược điểm do ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến, tâm lý “ăn xổi” lại là hòn đá cản đường chúng ta hội nhập, kinh doanh. Ngoài ra tâm lý độ kỵ còn ảnh hưởng tới đạo đức, sức mạnh tập thể và tính liên kết. 

Câu 5:

Em đã học và đọc nhiều tác phẩm văn học và những bài học lịch sử nói về các phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Những nhận xét của tác giả có gì giống và có điểm nào khác với những điều mà em đã đọc được trong các sách vở nói trên? Thái độ của tác giả như thế nào khi nêu những nhận xét này?

Trả lời

Qua những tác phẩm văn học, bài học lịch sử về phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam có thể thấy nhận xét của tác giả trong bài có nhiều điểm tương đồng. Đó chính là đều nêu rõ, phân tích những ưu – nhược điểm cụ thể của người Việt: thông minh, cần cù, sáng tạo, nhạy bén, đoàn kết trong chiến đấu. 

Tuy nhiên, trong văn bản tác giả không chỉ khen mà còn lồng ghép vào đó là những phê phán khuyết điểm, hạn chế. Đó đều là những điều ăn sâu vào tiềm thức người Việt và muốn hội nhập cần phải thay đổi, như: Thiếu kỹ năng thực hành, đố kỵ, khôn vặt, thiếu tính tỉ mỉ,….

Tác giả đưa ra những đánh giá này với thái độ tôn trọng sự thật khách quan, mọi thứ đều mang tính toàn diện, không tự mãn, đề cao nhưng cũng không tự ti. Điều này giúp thế hệ trẻ vững tin bước vào thế kỷ mới. 

Câu 6:

Trong văn bản, tác giả sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ. Hãy tìm những thành ngữ, tục ngữ ấy và cho biết ý nghĩa, tác dụng của chúng.

Trả lời

Trong bài tác giả đã khéo léo kết hợp những thành ngữ, tục ngữ, cụ thể:

Nước đến chân mới nhảy: Chỉ hành động chậm trễ, thiếu tính toán, không biết lo xa, đến sát nút mới ứng phó vội vàng.

>> Ý nghĩa: Đối với hành trang vào thế kỷ mới, tư tưởng này làm thụt lùi, không theo được sự phát triển của nền kinh tế mới. Vì thế, người Việt Nam cần linh hoạt, chủ động thay đổi tư duy, có kế hoạch cụ thể để kịp ứng phó. 

Liệu cơm gắp mắm: Bắt nguồn từ lời dạy của ông bà xưa, tùy vào lượng cơm nhiều hay ít mà gắp mắm cho phù hợp chỉ lối sống tiết kiệm chi tiêu, gần giống như “khéo lo thì no, khéo co thì ấm”.

>> Ý nghĩa: Tiết kiệm là đức tính tốt nhưng thay vì chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm trong phạm vi tài sản vốn có, người Việt nên biết cách đầu tư, kinh doanh mở rộng phát triển để nâng cao giá trị kinh tế. Câu này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng kinh doanh phù hợp với năng lực người Việt.

Trâu buộc ghét trâu ăn: Chỉ sự ganh tị giữa người này người kia.

>> Ý nghĩa:  Con người chỉ mãi ghen tị với thành quả của những người khác sẽ không phát triển được. Thay vào đó, người Việt nên học tập, chắt lọc những tinh hoa của những người đi trước để hoàn thiện bản thân và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng nhau phát triển. Nó mang ý nghĩa và tác dụng giáo dục cao về cách sống, đạo đức của con người trong cuộc sống, kinh doanh.

Bóc ngắn cắn dài: Lối sống lao động, làm việc ít nhưng lại muốn hưởng thụ nhiều.

>> Ý nghĩa: Sự tham lam chính là cản trở cho kinh doanh và hội nhập. Vì vậy, câu này giúp chúng ta hiểu rằng, thành quả chỉ có được khi chăm chỉ, chịu khó, kiên trì.

II – Luyện tập bài 

Câu 1: 

Em hãy nêu những dẫn chứng trong thực tế xã hội và nhà trường để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam như nhận định của tác giả.

Trả lời

Một số ví dụ, dẫn chứng thực tế trong xã hội, nhà trường thể hiện rõ điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam như bài viết:

– Đức tính đoàn kết, đùm bọc: Ngô Minh Hiếu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa suốt 10 năm cõng bạn mình là Nguyễn Tất Minh đến trường. 

– Đoàn y bác sĩ ở các tỉnh Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng lên đường vào Sài Gòn chống dịch Covid 19 năm 2021. 

– Học sinh Việt Nam đạt nhiều huy chương trong các kỳ thi quốc tế: Xếp thứ 7 tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2021, đứng thứ ba thế giới ở kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) giai đoạn 2011 – 2020.

– Giáo dục Việt Nam vẫn còn nặng nề lý thuyết, học vẹt, học tủ, thiếu kỹ năng thực hành. Nhiều trường học còn mắc bệnh thành tích trong đào tạo. 

– Một số vùng quê, người ta vẫn giữ tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, muốn mình hơn người khác chứ không chịu lép vế. 

Câu 2:

Em nhận thấy ở bản thân mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong những điều tác giả đã nêu, và cả những điều tác giả chưa nói tới? nêu phương hướng khắc phục những điểm yếu.  

Trả lời

Một số điểm mạnh của bản thân: 

  • Linh hoạt trong mọi vấn đề. 
  • Chia sẻ, giúp đỡ bạn bè. 
  • Nắm bắt vấn đề tốt. 

Điểm yếu của bản thân:

  • Lười trong suy nghĩ, chây lì. 
  • Làm việc còn khá chểnh mảng, chưa thật sự chú tâm, cẩn thận. 
  • Chưa đặt ra kế hoạch học tập, làm việc cụ thể. 
  • Phương pháp khắc phục: Rèn luyện bản thân làm việc theo nguyên tắc, kế hoạch đặt ra. Cùng với đó chủ động kiểm soát, đánh giá và linh hoạt hơn trong mọi việc. 

Trên đây là tổng hợp chi tiết soạn văn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới. Hy vọng thông qua những lời giải, phân tích này bạn đã nắm rõ nội dung chính của văn bản.