Bài soạn Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) gồm các nội dung chi tiết dưới đây:

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Các kiến thức chính cần nắm

canh-ngay-xuan-trich-truyen-kieu

a) Nội dung khái quát của đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

“Cảnh ngày xuân” là sự tái hiện một bức tranh xuân tinh khôi, tươi sáng, trong trẻo. Giữa khung cảnh nên thơ là lễ hội náo nức, tấp nập, trang trọng. Qua tả cảnh, Nguyễn Du gợi mở thế giới tâm hồn nhạy cảm, đa cảm của Thúy Kiều.

b) Vị trí của đoạn trích

“Cảnh ngày xuân” nằm trong phần I: Gặp gỡ và đính ước của Truyện Kiều.

Đây đoạn tả cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều sau khi Nguyễn Du giới thiệu về gia đình Vương ông cũng như dựng nên chân dung Vân, Kiều.

c) Bố cục

Bố cục của Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) được viết theo trình tự thời gian của cuộc du xuân:

– Bốn câu thơ đầu: Khung cảnh ngày xuân.

– Tám câu thơ tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

– Sáu câu thơ cuối: Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở vể.

d) Giá trị nội dung

Qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét và sinh động bức tranh thiên nhiên cùng lễ hội mùa xuân tươi đẹp, náo nhiệt trong cuộc su xuân của chị em Kiều giữa tiết thanh minh hội hè.

e) Giá trị nghệ thuật

Truyện Kiều nói chung và đoạn trích Cảnh ngày xuân được Nguyễn Du sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật. Riêng trong Cảnh ngày xuân là các biện pháp thuật sau:

– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

– Chất liệu: ước lệ

– Bút pháp: chấm phá tả cảnh tinh tế

– Ngôn ngữ: giàu hình ảnh.

2. Đọc – hiểu Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) 

Câu 1: Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân.

– Những chi tiết nào gợi lên đặc điểm riêng của mùa xuân?

– Em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du khi gợi tả mùa xuân?

Trả lời:

– Các chi tiết gợi đặc điểm riêng của mùa xuân:

+ Đặc điểm không gian và thời gian: Ngày xuân đã bước đến tháng 3, chim én,

+ Hình ảnh thiên nhiên: Cỏ non, cành lê trắng đã điểm vài bông hoa

– Nhận xét:

Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc sử dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật để gợi tả mùa xuân. Ông đã rất khéo khi lựa chọn các hình ảnh đặt trưng của mùa xuân với màu cỏ non xanh bao la và trê nền xanh tươi ấy điểm xuyết sắc trắng tinh khôi của hoa lê trong tiết tháng 3. Chữ “điểm” đã gợi lên sự hài hòa mà sinh động của không gian mùa xuân. Nguyễn Du đã sử dụng tài tình bút pháp hội họa phương Đông là: chấm phá, lấy tĩnh tả động.

canh-ngay-xuan-trich-truyen-kieu11
Khung cảnh lễ hội mùa xuân xưa. Ảnh: Internet

Câu 2: Tám câu thơ tiếp theo gợi lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:

– Thống kê từ ghép là tính từ, danh từ, động từ. Những từ ấy gợi lên không khí và hoạt động của lễ hội như thế nào?

– Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một lễ hội truyền thống xa xưa. Em hãy đọc kĩ các chú thích, kết hợp với đoạn thơ để nên những cảm nhận về lễ hội truyền thống ấy.

Trả lời:

*Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh:

– Tảo  mộ (viếng mộ, theo tục cổ thì cứ đến tiết Thanh minh, con cháu sẽ đi viếng, sửa sang phần mộ của tổ tiên) và du xuân

– Hội đạp thanh: tức là du xuân

* Các từ ghép được Nguyễn Du sử dụng để vẽ nên không khí rộn ràng của mùa xuân:

+ Từ ghép danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân;

+ Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu;

+ Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức.

* Cảm nhận về lễ hội mùa xuân trong tiết thanh minh

Qua những câu thơ của Nguyễn Du về buổi du xuân của chị em Thúy Kiều có thể thấy, mùa xuân năm xưa thường là dịp để “tài tử giai nhân” gặp gỡ, tỏ bày, vui chơi. Và mùa xuân dường như là thời điểm thích hợp hơn cả cho tình yêu nảy nở, cho những lời yêu thương đường ngỏ. Hình ảnh những “ngựa xe”, “áo quần” trong lễ hội gợi lên không khí tấp nập, nhộn nhịp, huyên náo của hội hè nô nức. Quả thực, Nguyễn Du đã rất tài tình khi lựa chọn bút pháp tả cảnh chấm phá để đưa người đọc như đang được dạo chơi giữa tiết trời mùa xuân trong trẻo.

Bên cạnh đó, Nguyễn Du đã dùng các từ ngữ mộc mạc, chân chất nhất khi nói về những phong tục tập quán của người xưa khi mùa xuân về. Đó là tảo mộ, là đạp thanh (du xuân). Những câu thơ vừa gợi không khí náo nức của mùa lễ hội vừa thể hiện được lòng thành kính đối với những người đã khuất.

Câu 3: Sáu câu cuối trong Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) gợi cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

– Cảnh vật, không khí mùa xuân trong sáu câu cuối có gì khác với câu thơ đầu? Vì sao?

– Những từ ngữ: tà tà, thanh thanh, nao nao chỉ có tác dụng miêu tả sắc thái cảnh vật hay còn bộc lộ tâm trạng con người? Vì sao?

– Cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong sáu câu thơ cuối.

Trả lời:

– Trong sáu câu thơ cuối, Nguyễn Du tả cảnh chị em Kiều du xuân trở về. Nếu lúc đi không khí lễ hội mùa xuân náo nức, nhộn nhịp thì trong cuộc trở về khung cảnh và lòng người có phần lắng lại, chậm lại và gợi suy tư; thể hiện sự vấn vương khi cuộc du xuân tươi vui đã hết.

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về.

Bước lần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

– Các từ tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ không chỉ gợi tả sắc thái cảnh vật vừa hé mở tâm trạng con người. Tâm trạng ấy là cảm giác mơ hồ, nỗi buồn man mác và vì thế mà cảnh vật không còn rạng rỡ như khi mới bước chân vào lễ hội mùa xuân. Như Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, vì vậy mà các từ ngữ vốn dùng để miêu tả cảnh vật lại đang gợi ra tâm trạng của con người.

– Khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người hiện lên ở sáu câu thơ cuối đã có sự chuyển biến nhẹ nhàng nhưng cảm nhận được rõ nét. Khi lễ hội tàn, khi mùa xuân lùi bước dường như mang một dự cảm mơ hồ về những điều sắp xảy ra.

Câu 4: Phân tích những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích.

Trả lời:

Các đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) thể hiện ở một số điểm sau:

– Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian hợp lý. Khi chị em Thúy Kiều bước vào cuộc du xuân là mở ra khung cảnh mùa xuân vui tươi. Và khi lễ hội kết thúc, cái đặc trưng của mùa xuân dường như cũng nhạt dần. Đồng thời, Nguyễn Du đã đi từ cái khái quát về khung cảnh mùa xuân trong tiết thanh minh đến cái cụ thể với phong tục tảo mộ, du xuân và tâm trạng con người.

– Tác giả cũng sử dụng thành công bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Ở hai câu thơ đầu ta thấy rõ thời gian và gợi không gian mùa xuân.

– Ngoài ra, để gợi không khí xuân rộn ràng, tác giả sử dụng một loạt từ ghép hai âm tiết: gần xa, nô nức, yến anh,…Rồi để gợi tả tâm trạng con người, Nguyễn Du sử dụng các từ: thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ,…

II. LUYỆN TẬP SAU ĐỌC – HIỂU CẢNH NGÀY XUÂN (TRÍCH TRUYỆN KIỀU)

Câu 1

Phân tích, so sánh cảnh mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm liền với trời xanh – Trên cành lê có mấy bông hoa) với câu “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để thấy được sự tiếp thu, sang tạo của Nguyễn Du.

Trả lời:

Trong câu thơ cổ của Trung Quốc và hai câu thơ của Nguyễn Du đều gợi ra khung cảnh mùa xuân với những đặc trưng riêng biệt. Nhưng cùng với vẻ đẹp của mùa xuân mà người người đều thấy, Nguyễn Du có sự quan sát tinh tế.

Ở câu thơ cổ Trung Quốc, cổ nhân dùng bút pháp gợi tả để vẽ lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân với đầy đủ: hương vị, màu sắc, đường nét. Mà cụ thể là hương thơm của con non, là màu xanh bao la của cỏ trải tận chân trời và đó là hình dáng của cành lê có điểm vài bông hoa. Cảnh vật qua câu thơ đẹp và tĩnh lặng.

Còn trong hai câu thơ mà Nguyễn Du viết trong truyện Kiều, ta có thể hình dung ra một bức họa mùa xuân. Gọi là bức họa bởi những màu sắc của mùa xuân hiện lên rất rõ qua hai câu thơ. Cái này chủ đạo của mùa xuân là màu xanh non của cỏ. Và sự sáng tạo ở Nguyễn Du, cái tinh thế của Nguyễn Du là việc sử dụng từ ngữ “đắt”. Nếu trong câu thơ cổ Trung Quốc chỉ nói đến hoa lê mà không nói đến màu trắng, thì Nguyễn Du với từ “trắng” đã tạo nên một bức họa thật sinh động. Có thể rằng nhắc đến hoa lê ai cũng đều liên tưởng đến màu trắng. Nhưng sau từ “trắng” Nguyễn Du sử dụng từ “điểm” để gợi lên cái đặc biệt, cái đáng chú ý của chỉ vài bông hoa lê nho nhỏ trên cành. Và chính cái chữ “trắng” nho nhỏ, cái màu sắc hiển nhiên ấy của hoa lê đã làm nổi bật bức tranh mùa xuân của Nguyễn Du. “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” đã gợi nên vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo, khoáng đạt, thanh khiết và tràn đầy sức sống sống của mùa xuân.

Như vậy có thể thấy, Nguyễn Du quả thực đã rất tài tình trong việc sử dụng ngôn từ, những từ ngữ “nhỏ”, nhưng mà “đắt”, đặc sắc. Chính điều này đã tạo nên khung cảnh mùa xuân không thể “xuân” hơn.

Hy vọng rằng với bài soạn Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) trên đây sẽ giúp em các em cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm và có một tiết học hiệu quả.