Bố cục bài thơ Bếp lửa

Bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt được chia là 3 phần, cụ thể:

  • Phần 1: Khổ thơ đầu là hình ảnh bếp lửa bập bùng gợi lên nỗi nhớ về bà của người cháu. 
  • Phần 2: Bốn khổ thơ tiếp ghi lại những ký ức tuổi thơ của người cháu khi sống cùng bà có gắn liền với bếp lửa. 
  • Phần 3: Khổ thơ cuối nêu lên suy ngẫm của cháu về cuộc đời của bà. 

Bếp lửa

I – ĐỌC VÀ HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Bếp lửa – SGK Ngữ Văn 9 tập 1 trang 145

Bài thơ là lời của nhân vật nào, nói về ai và về điều gì?

Dựa vào mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình, em hãy nêu bố cục của bài thơ.

Trả lời

Bài thơ là lời của người cháu khi nói về bà, nhắc về tình yêu thương tha thiết mà bà đã dành cho cháu trong những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn. 

Căn cứ vào mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình có thể thấy bài thơ được chia làm 3 phần:

  • Ba dòng đầu: Hình ảnh bếp lửa từ từ xuất hiện – là khơi nguồn cho những dòng hồi tưởng về bà sau đó. 
  • Bốn khổ thơ tiếp theo: Từ Lên bốn tuổi đến Chứa niềm tin dai dẳng: Nhân vật trữ tình hồi tưởng về những kỷ niệm tuổi thơ được sống bên bà. Hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa. 
  • Khổ cuối: Người cháu khi đã trưởng thành, đã đi xa nhưng không nguôi nỗi nhớ về bà. 

Câu 2: 

Trong hồi tưởng của người cháu, những kỷ niệm nào về bà và tình bà cháu đã được gợi lại? Em hãy chỉ ra sự kết hợp giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự, bình luận trong bài thơ và tác dụng của sự kết hợp ấy.

Trả lời

Trong hồi tưởng của cháu, rất nhiều kỷ niệm về bà và tình bà cháu thân thương đã được gợi lại, cụ thể:

  • Lên bốn tuổi đói kém nhọc nhằn (1945) đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên. Đó là “năm đói mòn đói mỏi” bố làm việc đến nỗi “khô rạc ngựa gầy”. Đến giờ nghĩ lại, cháu vẫn thấy “sống mũi còn cay”. 
  • Tám năm ròng vắng bóng cha mẹ, cháu ở cùng bà, bà dạy cháu học, dạy cháu làm, bà kể chuyện những ngày ở Huế cho cháu nghe, bà cặm cụi nhóm lửa nuôi nấng cháu nên người. 
  • Năm giặc đốt làng, đốt nhà, bà “vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh/ Bố ở chiến khu, bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”. Bà mong bố mẹ cháu yên tâm công tác. Vậy nên sớm chiều bà vẫn “lại bếp lửa bà nhen”. 
  • Hình ảnh bà trong mắt cháu vẫn luôn “lận đận” qua biết bao nắng mưa. Dù mấy chục năm trôi qua “bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người thắp lên niềm yêu thương cho cháu. 

Bài thơ là sự đan xen giữa biểu cảm, miêu tả, tự sự. Cụ thể:

  • Biểu cảm: Thể hiện tình yêu thương của cháu dành cho bà qua từng câu chữ “thương bà biết mấy nắng mưa”, nghĩ đến giờ “sống mũi còn cay” “tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”, “thương bà khó nhọc”,….
  • Miêu tả: Miêu tả hình ảnh bếp lửa “chờn vờn sương sớm” “ấp iu nồng đượm” “bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” “khói hun nhèm mắt cháu” “đốt làng cháy tàn cháy rụi”,….
  • Tự sự: Tác giả sử dụng liên tục những hình ảnh tự sự “lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói” “năm đói mòn đói mỏi” “tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa” “bà hay kể chuyện ở Huế”,….
  • Bình luận: Thời điểm giặc đến đốt làng, bà vững dòng dặn cháu “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kêu này, kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”. 

Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố biểu cảm, miêu tả, tự sự và bình luận đã giúp bài thơ có được kết cấu chặt chẽ. Thông qua đó thể hiện được tình cảm thiêng liêng, thắm thiết của người cháu đối với bà. 

Câu 3:

Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa được nhắc đến bao nhiêu lần? Tại sao khi nhắc đến bếp lửa là người cháu nhớ đến bà và ngược lại, khi nhớ về bà là nhớ ngay đến hình ảnh bếp lửa? Hình ảnh ấy mang ý nghĩa gì trong bài thơ này? Vì sao tác giả lại viết: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”?

Trả lời

– Trong bài thơ, hình ảnh bếp lửa được nhắc tới 10 lần. Hình ảnh ấy có nhiều biến thể như: Khói, lửa. 

– Trong hồi tưởng và suy nghĩ của cháu, hình ảnh bếp lửa luôn luôn gắn với hình ảnh của bà. Nó gắn với kỷ niệm tuổi thơ: Cùng bà nhóm lửa, tiếng tu hú kêu. 

Mỗi khi nhắc tới bếp lửa nhân vật trữ tình lại nhớ tới bà và ngược lại bởi bếp lửa đã gắn với cuộc đời của bà. Bà là ngườm nhóm bếp vào mỗi buổi sáng, chiều. Dường như cuộc đời bà gắn liền với ánh lửa bập bùng, mùi khói nồng đượm của bếp. Đó là việc hàng ngày bà làm. 

Bếp lửa cũng là hình ảnh biểu hiện cho sự tảo tần, chăm chỉ. Hơn hết, bếp lửa còn tượng trưng cho tình bà nồng ấm. Bà nhóm lên bếp lửa giống như nhóm lên niềm vui, hạnh phúc, sự sống trong đó. 

Để rồi tác giả phải thốt lên “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”. Nó giống như nỗi lòng mà người cháu muốn gửi gắm. Bởi bà chính là người nhóm lửa, nhóm niềm yêu thương và nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Không chỉ bằng tình yêu thương ấm áp, bà còn là người truyền ngọn lửa niềm tin cho thế hệ mai sau. 

Câu 4:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng….

Vì sao ở hai câu dưới tác giả dùng từ “ngọn lửa” mà không nhắc lại “bếp lửa”? “Ngọn lửa” ở đây có ý nghĩa gì? Em hiểu những câu thơ trên như thế nào?

Trả lời

Không phải bỗng nhiên tác giả lại dùng từ “ngọn lửa” mà không nhắc tới “bếp lửa”. Đó là bởi “bếp lửa” là hình ảnh hữu hình, cụ thể của mỗi gia đình. Trong khi “ngọn lửa” lại mang ý nghĩa khái quát, rộng lớn. 

“Ngọn lửa” cháy sáng trong câu thơ hàm chứa nhiều lớp ý nghĩa tượng trưng. Đó là ngọn lửa tình yêu nhen nhóm từ lòng bà. Ngọn lửa ấy mang sức sống, yêu thương, niềm tin. Niềm tin ấy chính là niềm tin với Đảng với kháng chiến. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà hơn hết, bà là người truyền lửa. Ngọn lửa luôn ủ sẵn trong lòng bà, và sẵn sàng truyền cho cháu thông qua những kỷ niệm ấm lòng, thiêng liêng nâng bước cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. 

Câu 5:

Cảm nhận của em về tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ. Tình cảm ấy được gắn liền với những tình cảm nào khác?

Trả lời

Qua những hình ảnh trong bài thơ em thấy được tình cảm bà cháu vô cùng sâu nặng. Bà chăm sóc, nuôi nấng cháu bằng sự yêu thương, che chở của cả cha lẫn mẹ. Và cháu luôn nhớ về bà, nhớ về những kỷ niệm tuổi ấu thơ cùng bà bên bếp lửa và căn nhà nhỏ. Ngay cả khi đã lớn, tiếp xúc với những thiết bị hiện đại, cháu vẫn đau đáu trong lòng lời yêu thương tha thiết:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhỏ:

Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa

Tình cảm ấy đã vượt qua cả chiều dài thời gian, chiều rộng không gian. Dù cuộc sống có xoay vần thì tình cảm đó vẫn neo đậu mãi trong trái tim cháu. Tình yêu, lòng biết ơn cháu dành cho bà cũng chính là lòng biết ơn đối với gia đình, quê hương, đất nước. 

III  – Luyện tập

Viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ. 

Gợi ý

Bếp lửa là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Bằng Việt. Bằng tài hoa của mình, tác giả đã mang đến cho người đọc hình ảnh “bếp lửa” vô cùng chân thật, gợi lại bao ký ức của cả một thế hệ. Hình ảnh bếp lửa gắn liền với sự tần tảo, hy sinh và tình yêu thương của bà. Nó gắn liền với niềm vui tuổi thơ cùng bà nhóm bếp, được sưởi ấm và lớn lên trong vòng tay của bà. Chính ngọn lửa thiêng liêng ấy đã tiếp thêm động lực cho người cháu bước chân trên chặng đường phía trước. Dẫu có đi khắp chân trời góc bể thì hình ảnh bà ngồi nhóm bếp chẳng bao giờ phôi pha. 

Hy vọng những nội dung trên đây giúp các em học tốt bài thơ Bếp lửa. Ngoài ra, trước khi các em phân tích hãy đọc bài thơ thật kỹ để nắm đầy đủ ý chính.