Bài mẫu phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta không chỉ cảm phục tài năng quân sự, chính trị phi thường mà còn yêu mến Người qua những tác phẩm văn chương đặc sắc. Trong đó, thiên nhiên, con người luôn là đề tài được Người tập trung miêu tả. Đặc biệt, “Tức cảnh Pác Bó” còn cho thấy con người, tâm hồn lạc quan của một nhà thơ-chiến sĩ. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, ta sẽ hiểu rõ hơn điều này.

“Tức cảnh Pác Bó” được sáng tác trong khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc. Tháng 2 năm 1941, Bác trở về và chọn Pác Bó là căn cứ hoạt động trong thời gian này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bên chiếc bàn đá Bác Pó

Tại đây, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Mùa đông miền núi lạnh lẽo, Bác vẫn phải sống trong hang đá tối tăm, ẩm ướt để lên kế hoạch chỉ huy kháng chiến. Thế nhưng không vì vậy mà Bác chùn bước, chán nản. Giữa cái kham khổ tột cùng, vị cha già ấy vẫn lạc quan, tha thiết yêu đời và yêu thiên nhiên cảnh vật. “Tức cảnh Pác Bó” đã ra đời giữa không gian và hoàn cảnh đặc biệt như thế.

“Tức cảnh Pác Bó” chỉ vỏn vẹn có 4 câu thơ thất ngôn. Thoạt mới đọc lên, ta sẽ thấy ngay giọng điệu vui vẻ, hóm hỉnh của tác giả hiện lên từng câu chữ. Mở đầu bài thơ, tác giả thể hiện rất rõ sự ung dung, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”

Chỉ với 7 chữ, tác giả đã miêu tả rõ nét hoàn cảnh sống của mình nơi núi rừng. Người lấy hang đá là nơi ngủ, “bờ suối” là nơi làm việc, sáng tác. Thời gian, hành động cứ thế lặp đi lặp lại “ra – vào”, “sáng – tối”. Thế nhưng ta có thể thấy tác giả không hề cảm thấy nhàm chán, buồn bã vì sự lặp lại đó. Nhịp thơ linh hoạt, sử dụng các âm mở khiến lời thơ phóng khoáng, tươi sáng và lạc quan. Đó là lối sống quy củ, đều đặn, hòa hợp với thiên nhiên, núi rừng.

Đến câu thơ thứ hai, nét lạc quan ấy càng rõ hơn nữa:

“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Nơi sinh hoạt như thế, vậy thức ăn hàng ngày thì sao? Chỉ là “cháo bẹ”, “rau măng”, là những thứ giản dị, đời thường, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu. Cháo nấu từ ngô, măng thì lấy từ cây tre, cây trúc trên rừng. Chúng mộc mạc, đơn sơ và dân dã, không hề cầu kỳ, cao sang. Bác Hồ từ xưa đến nay vẫn thế, vẫn giữ thói quen ăn uống thanh đạm, có kham khổ cũng vẫn thấy biết ơn và yêu mến. Chế độ ăn như làm nổi bật hơn sự vất vả, gian nan của Bác trong hành trình tìm lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Không gian Pác Bó

Dù là thức ăn đơn sơ, tác giả vẫn giữ tâm thế chào đón, hân hoan. Với cách nói hóm hỉnh: “vẫn sẵn sàng”, tác giả như ngầm khẳng định: thức ăn ở đây lúc nào cũng có sẵn, không thiếu thốn thức gì. Nhưng kỳ thực chỉ có ngô, có khoai, có măng, rau rừng mà thôi. Vậy mà tâm thế của vị lãnh tụ ấy vẫn cứ hiên ngang, lạc quan bất ngờ.

Sau những câu thơ miêu tả đời sống, câu thơ thứ ba hiện lên với sự trúc trắc trong cấu trúc, thể hiện sự khó khăn trong công việc của tác giả:

“Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng”

Hai chữ “chông chênh” là từ láy duy nhất trong cả bài thơ. Nó mang tính tạo hình cao, thể hiện sự không vững vàng của chiếc “bàn đá” – vật dụng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai hình ảnh bàn đá với hành động “dịch sử Đảng” tưởng chừng đối nghịch nhưng lại rất hài hòa. Dịch sử Đảng là công việc vĩ đại, quan trọng, vậy mà lại được thực hiện trên chiếc bàn đá đứng còn không vững. Thế nhưng chính sự trái ngược ấy lại càng làm nổi bật tâm thế của tác giả, không ngại khó, ngại khổ, yêu công việc làm Cách mạng và luôn làm chủ cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đến câu thơ cuối, ta như cảm nhận được tiếng cười sảng khoái của tác giả:

“Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Hoàn cảnh khó khăn, ăn uống đơn sơ, công việc gian khổ, thế nhưng tác giả vẫn thấy “sang”. Chữ “sang” vừa thể hiện niềm vui, lại chính là niềm tự hào khi thực hiện lí tưởng của vị lãnh tụ. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, Bác vẫn luôn vui vẻ, yêu đời, cảm thấy thoải mái và sang trọng. Ấy chính là cái tâm và cái tầm của vị lãnh tụ vĩ đại. Bài thơ kết thúc bằng chữ “sang”, có thể gọi là chữ nhãn tự (chữ mất) đã kết tinh tư tưởng của tác giả, tạo thành điểm sáng cho cả bài thơ.

Với ngôn từ giản dị, cách dùng từ độc đáo, “Tức cảnh Pác Bó” đã tái hiện được không gian, cảnh trí nơi Bác sống và sinh hoạt khi về nước. Ở đó, tình yêu thiên nhiên, tha thiết cuộc đời và sự giản dị, một lòng vì lí tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sâu sắc. Đồng thời, phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, phong cách thơ giản dị, phóng khoáng, hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa của Bác lại càng được hiểu rõ hơn, đến gần hơn với công chúng.