Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương) trang 18 – 20, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1 

I – HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 

Câu 1 (Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương): Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào? (Chú ý không gian, thời gian, giá trị biểu cảm của các từ ngữ: văng vẳng, dồn, trơ, cái hồng nhan, say lại tỉnh, mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn với thân phận nữ sĩ.)

Trả lời: 

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Bốn câu thơ trên cho thấy tác giả Hồ Xuân Hương đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng buồn tủi, xót xa cho thân phận hồng nhan của mình, cụ thể như sau: 

+ Thời gian “đêm khua văng vẳng” là khoảng thời gian cô đơn nhất trong ngày khi nhân vật phải tự đối diện với những tâm sự trăn trở chất chứa trong lòng. 

+ Không gian “nước non” một không gian rộng lớn, mênh mông vô định, đối lập hoàn toàn với con người bé nhỏ hồng nhan bạc mệnh. 

+ Các từ ngữ “trống canh dồn, văng vẳng, cái hồng nhan, say lại tỉnh” cho thấy thời gian cứ qua đi mang theo cả thanh xuân tuổi trẻ của nhân vật trữ tình để rồi bây giờ phải đối mặt với cảnh ngộ cô độc, lạc lõng giữa muôn trùng nước non và mênh mông cuộc đời. 

+ Mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) và vẫn khuyết chưa tròn với thân phận nữ sĩ cho thấy tâm trạng chìm đắm trong nỗi đau mà tác giả không thể nào thoát ra khỏi được. “Bóng xế” càng cho thấy sự cô đơn, cay đắng của nữ sĩ trước sự hẩm hiu không trọn vẹn của số kiếp hồng nhan. 

Câu 2 (Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương): Hình tượng thiên nhiên trong hai câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Trả lời:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Hai câu thơ 5 và 6 miêu tả hình tượng thiên nhiên và góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như sau: 

+ Các cặp từ đối nhau:  “xiên ngang >< đâm toạc” “rêu từng đám >< đá mấy hòn”, “mặt đất >< chân mây” diễn tả tâm trạng uất ức, quyết vùng lên trước mọi hoàn cảnh của xã hội phong kiến đương thời của nữ sĩ. 

+ Những động từ mạnh như: “xiên” “đâm” “toạc” thể hiện thái độ ngang ngạnh, muốn phản kháng, chống đối lại tất cả của nhà thơ. Khẳng định sức sống mạnh mẽ, vượt qua rào cản phong kiến để đi tìm hạnh phúc cho chính bản thân mình. 

Câu 3 (Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương): Hai câu kết nói lên tâm sự gì của tác giả? (Chú ý nghĩa của từ xuân, từ lại; nghệ thuật tăng tiến: Mảnh tình – san sẻ – tí – con con.)

Trả lời: 

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.”

Hai câu kết nói lên tâm sự buồn tủi, chán chường của nữ sĩ, cụ thể như sau: 

+ Từ “xuân” ở đây ý muốn nói xuân của tự nhiên thì xuân đi rồi xuân lại về, còn xuân của tuổi trẻ, của thanh xuân thì một đi không trở về. 

+ Từ “lại” có nghĩa là xuân thêm một lần nữa, tuy nhiên cụm từ “lại lại” chỉ sự qua đi của tuổi xuân đầy tiếc nuối.

+ Nghệ thuật tăng tiến “mảnh tình – san se – tí – con con” nhấn mạnh sự éo le trong cuộc tình của nữ sĩ, mảnh tình vốn đã ít ỏi lại phải san sẻ, không được trọn vẹn còn “tí con con”.

Câu 4 (Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương): Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích điều đó.

Trả lời:

Bài thơ “Tự tình” vừa nói lên bi kịch duyên phận, vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương:

+ Bi kịch duyên phận khi xuân đến rồi xuân lại đi, thời gian của thiên nhiên cứ thế tuần hoàn, tuy nhiên tuổi xuân của con người lại hữu hạn, một đi không quay trở lại. Khi tác giả ngẫm được sự đời trớ trêu ấy, càng thấy xót xa cho thân phận nhỡ nhàng, dở dang của tình duyên của mình. Đây là thực sự là bi kịch của nhiều người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến xưa, mang thân phận “hồng nhan” nhưng “bạc mệnh”. 

+ Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương được thể hiện rõ rệt qua 4 câu thơ cuối. Trước số phận hẩm hiu của bản thân, nữ sĩ đã thể hiện quyết tâm mãnh liệt bứt phá, bước qua mọi rào cản của xã hội phong kiến đương thời để đi tìm hạnh phúc đích thực của mình. 

II – LUYỆN TẬP 

Câu 1 (Soạn Tự tình (Hồ Xuân Hương): Đọc “Tự tình” (Bài I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống nhau và khác nhau giữa “Tự tình” (Bài I) và “Tự tình” (Bài II).

Trả lời: 

+ Giống nhau: 

– Thể thơ: Nôm đường luật

– Nội dung: Thể hiện tâm trạng xót xa, cay đắng cho số phận phụ nữ hẩm hiu. 

+ Khác nhau: 

– Bài thơ “Tự tình I” thể hiện nỗi sầu thê thảm khi duyên đến mà không nên duyên. Song nữ sĩ vẫn còn niềm tin vào tình yêu và khẳng định bản thân mình sẽ tìm được hạnh phúc. 

– Bài thơ “Tự tình II”  thể hiện sự chán chường, xót xa, bẽ bàng cho số phận hẩm hiu, hồng nhan bạc mệnh, khao khát vươn lên nhưng chỉ tìm thấy bế tắc.