Mục lục

Soạn Thao tác lập luận bình luận Trang 71-74 Ngữ văn 11 Tập 2

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN

(Soạn Thao tác lập luận bình luận)

Câu 1: Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta rất hay gặp từ bình luận (bình luận tình hình thời sự, bình luận quân sự, bình luận thể thao…). Theo anh (chị), từ bình luận trong những trường hợp ấy mang ý nghĩa gì?

Trả lời:

Từ “bình luận” trong các trường hợp trên nhằm đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá, bàn luận về sự đúng/sai, hay/dở, lợi/hại của vấn đề.

=> Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với những nhận xét, đánh giá, bàn luận của bản thân về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học. Ví dụ như: bình luận thể thao, bình luận quân sự, bình luận tình hình thời sự…

Câu 2: Hãy tìm hiểu một lần nữa đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ (Ngữ văn 11, tập một)

a) Trong đoạn trích đó, tác giả có nhận định, đánh giá đúng – sai, hay – dở không? Có bàn bạc sâu rộng vấn đề được nói đến hay không? Nếu có thì đích cuối cùng của các lời nhận định, đánh giá, bàn bạc đó là gì?

b) Nguyễn Trường Tộ có lí do để viết Xin lập khoa luậtkhông, nếu vào lúc bấy giờ, ai nấy đều đã thống nhất rằng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa, rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức?

c) Dựa vào nhận thức về ý nghĩa của từ bình luậntrong mục 1, anh (chị) thấy Xin lập khoa luậtcó phải là một đoạn trích có tính chất bình luận không? Vì sao không thể coi đây là một đoạn trích chứng minh hay giải thích?

Trả lời:

a) Trong đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ có đưa ra những nhận định, đánh giá đúng – sai, hay – dở, đồng thời cũng có bàn bạc mở rộng. Tác giả có ý thức tranh luận với quan niệm cho rằng việc lập khoa luật là không cần thiết. Tác giả đã nêu ra vấn đề đúng, sai của đời sống và bàn bạc rất sâu. Theo đó vua chúa thống trị đất nước đều phải dựa vào luật, và thực hiện theo luật. Tất cả những lập luận này đều nhằm hướng tới khẳng định vai trò quan trọng của việc cần phải xây dựng một hệ thống luật phép cho quốc gia.

=> Nhằm mục đích thuyết phục triều đình cho mở khoa luật.

b) Nguyễn Trường Tộ có lý do để đề nghị lập khoa luật bởi trên thực tế, ai nấy đều đã thống nhất rõ ràng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa và rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức.

c) Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn lập luận bình luận vì nó thể hiện rõ tính chất đề xuất vấn đề đồng thời các lập luận cũng là để hướng vào thuyết phục người đọc tán đồng với những nhận xét, đánh giá, đề xuất của tác giả.

Câu 3: Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận. Vì sao?

Trả lời:

Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận.

Vì: Nếu không nắm vững kỹ năng bình luận thì vấn đề sẽ không được làm rõ, ý kiến cá nhân cũng không được chấp nhận vì dẫn chứng, lý lẽ không rõ ràng. Qúa trình trình bày cũng không tạo được sự lôi cuốn thuyết phục.

Câu 4: Tại sao có thể nói rằng con người hôm nay cần biết bình luận, dám bình luận và do đó, phải nắm vững kĩ năng bình luận?

Trả lời:

– Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc, người nghe thì phải nắm vững kĩ năng bình luận. Vì có nắm vững kĩ năng bình luận thì người bình luận mới nắm vững cách tổ chức luận cứ, luận điểm nhằm đạt tới mục đích mà mình đã đặt ra.

– Nói rằng con người hôm nay rất cần thiết bình luận, dám bình luận và do đó phải nắm vững kĩ năng bình luận bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh dân chủ. Ở đây mọi người đều có quyền và có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; các quan điểm, ý kiến có tinh thần xây dựng đều được trân trọng, khuyến khích.

II. CÁCH BÌNH LUẬN

(Soạn Thao tác lập luận bình luận)

Trả lời:

+ Bước 1: Nêu hiện tượng/vấn đề cần bình luận

a) Bình luận yêu cầu phải nêu rõ được thái độ và sự đánh giá của người bình luận trước vấn đề được đưa ra bình luận. Cần phải nêu rõ thái độ và sự đánh giá của người bình luận với vấn đề được đưa ra. Vì người đọc, người nghe không thế tiếp nhận và càng không thể tiếp nhận một cách hứng thú những lời bình luận về một hiện tượng (vấn đề) một khi họ còn mơ hồ chưa rõ về chính cái hiện tượng (vấn đề) được đưa ra bình luận đó.

b) Nên trình bày hiện tượng vấn đề cần bàn luận một cách trung thực, khách quan, ngắn gọn, rõ ràng.

+ Bước 2: Đánh giá vấn đề cần bình luận. Tùy từng vấn đề mà lựa chọn cách đánh giá:

Việc lựa chọn cách làm nào trong ba cách kể trên phải xuất phát từ một, và chỉ một cơ sở duy nhất: cơ sở chân lí. Sau khi đã lựa chọn được một cách thức phù hợp với chân lí rồi thì nhiệm vụ của người bình luận là tìm cách thuyết phục người đọc (người nghe) đặt niềm tin vào sự đánh giá của mình.

  • Đối với người bình luận, điều quan trọng hơn cả là đề xuất và bảo vệ được nhận xét, đánh giá của bản thân mình.
  • Người bình luận sẽ nêu ra và bảo vệ quan điểm của riêng mình theo một trong các cách: (1) đứng hẳn về một phía, ủng hộ phía mình cho là đúng và bác bỏ phía mà mình chắc chắn là sai; (2) kết hợp những phần đúng và loại bỏ phần còn hạn chế của mỗi phía, để đi tới một sự đánh giá mà mình tin là thực sự công bằng, hợp lí; (3) đưa ra một cách đánh giá của riêng mình, sau khi đã phân tích các quan điểm, ý kiến khác nhau về đề tài cần bình luận.

+ Bước 3: Bàn về hiện tượng/vấn đề cần bình luận

  • Không chỉ nhận xét, đánh giá, người bình luận còn cần bàn bạc. Khi tiếp tục luận bàn sâu rộng hơn, người bình luận có thể đề cập tới thái độ, hành động, cách giải quyết cần có trước hiện tượng vừa được nhận xét, đánh giá; cũng có thể bày tỏ những cảm nhận, nghĩ suy mà mình đã rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh sống, lứa tuổi của mình và của người đang lắng nghe mình bình luận. Nhưng sự bàn luận còn có tầm vóc lớn hơn, có giá trị cao hơn nữa nếu người bình luận có thể bàn thêm về những ý nghĩa xa rộng, sâu sắc, và bất ngờ nữa, mà hiện tượng đời sống được bình luận có thể gợi ra (như lời bàn được nêu trong mục II.3-SGK).

LUYỆN TẬP

(Soạn Thao tác lập luận bình luận)

Câu 1(Soạn Thao tác lập luận bình luận):Có người cho rằng bình luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?

Trả lời:

+ Có người cho rằng bình luận chẳng qua là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy không đúng. Vì:

Bình luận không phải là giải thích mà cũng không phải là chứng minh. Bản chất của bình luận là mọi người cùng tranh luận về vấn đề mọi người cùng tìm hiểu và đã hiểu rõ về nó.

Bởi vì mục đích của giải thích là giúp người nghe, người đọc hiểu được nhận định đã nêu còn chứng minh là nhằm giúp họ tin rằng nhận định ấy có căn cứ trong sự thật (hay lẽ phải).

Như thế giải thích là hướng về người chưa biết, chưa hiểu. Còn chứng minh hướng về người chưa rõ, chưa tin. Trong khi mục đích của bình luận giúp người đọc, người nghe đánh giá hiện tượng (vấn đề) được chính xác, đầy đủ khách quan và bàn luận cùng họ về ý nghĩa sâu xa rút ra được từ hiện tượng (vấn đề) đó bằng những ý kiến mới mẻ, sắc sảo của riêng mình.

Như thế xét về bản chất, bình luận là dành cho người đã thông hiểu, đã có ý kiến về hiện tượng vấn đề đó, có điều ý kiến của họ không giông với ý kiến người bình luận. Cũng có thế nói, yêu cầu cao nhất của giải thích là dễ hiểu, của chứng minh là đáng tin cậy thì yêu cầu của bình luận là giàu tính đấu tranh cho quan điểm, ý kiến đúng đắn, xác đáng, giàu sức thuyết phục đối với người đọc, người nghe.

Câu 2(Soạn Thao tác lập luận bình luận): Đoạn trích sau đây có sử dụng thao tác bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh chị có thể kết luận là có hoặc không?

Trả lời:

+ Trong đoạn trích trên có sử dụng thao tác lập luận bình luận.

+ Bởi vì đoạn trích đã tuân thủ đầy đủ các bước bình luận:

  • Trong đoạn trích này, tác giả đã trình bày được chủ đề (quan điểm) của tác giả về vấn đề giao thông và tai nạn giao thông.
  • Trong đoạn trích, cũng nêu lên rõ ràng về hiện tượng được bình luận (hiện trạng vi phạm giao thông của các nam thanh niên và tai nạn giao thông ngày một gia tăng trong đó hầu hết là tai nạn xe máy)
  • Có các luận điểm được triển khai chặt chẽ, có hệ thống, giàu sức thuyết phục, những số liệu thống kê xác thực, lập luận xác đáng.
  • Cuối cùng nêu lên đề xuất của tác giả: “một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để những lưới hái tử thần không còn nghênh ngang trên đường phố.

Câu 3: Sau khi đọc và suy nghĩ kĩ về đoạn trích Xin lập khoa luật, anh (chị) thấy mình còn có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và của việc giáo dục pháp luật trong xã hội?

Trả lời:

+ Bình luận thêm về vai trò của pháp luật và việc giáo dục pháp luật trong xã hội sau khi đọc “Xin lập khoa luật” như sau:

  • Thứ nhất, hiểu biết và tôn trọng pháp luật chính là đạo đức. Bởi lẽ, trong xa hội, ta hiểu được pháp luật tức là ta đã hiểu được sự vận hành, thể chế và chính sách của một nhà nước. Còn tôn trọng pháp luật tức là ta tôn trọng nhà nước, tôn trong người đứng đầu và tôn trọng chính chúng ta. Sự tôn trọn luật pháp chính là cơ sở để hình thành nên đạo đức của con người.
  • Thứ hai, vai trò của luật pháp trong xã hội hiện đại, giáo dục pháp luật cho học sinh nói riêng và mọi công dân là nhiệm vụ quan trọng. Mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Nếu tế bào khỏe mạnh, cơ thể mới khỏe mạnh và phát triển được. Cũng giống như thế, nếu con người đều hiểu và tôn trọng pháp luật tức là bản thân họ đã là những người có đạo đức. Một xã hội có đạo đức là một xã hội văn minh.