Soạn Nhớ Đồng – Tố Hữu Trang 46-48 Ngữ văn 11 Tập 2

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

(Soạn Nhớ Đồng)

Câu 1(Soạn Nhớ Đồng): Cảm hứng của bài thơ được gợi lên bởi tiếng hò vọng vào nhà tù. Vì sao tiếng hò lại có sức gợi cảm như thế đối với nhà thơ?

Trả lời:

– Cảm hứng của bài thơ được gợi lên bởi tiếng hò vọng vào nhà tù. Tiếng hò lại có sức gợi cảm vì bài thơ này cũng giống các bài thơ Tâm tư trong tù và Khi con tu hú – các bài thơ đều được khơi nguồn cảm hứng từ những âm thanh. Tâm tư trong tù được khơi gợi từ những âm thanh “quen thuộc quá” của cuộc sống “Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”. Ở bài Khi con tu hú, cảm xúc nhớ thương của Tố Hữu lại được bắt đầu từ tiếng kêu của chim tu hú báo hiệu ngày hè.

– Trong bài thơ này, cảm hứng của nhà thơ được gợi lên từ một thứ âm thanh đặc biệt – tiếng hò quê hương. Như ta đã biết, Tố Hữu được sinh ra ở Huế. Ngay từ khi còn nhỏ, tâm hồn nhà thơ đã được nuôi dưỡng bằng những điệu ca, điệu hò nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ như nam ai, nam bình, mái nhì, mái đẩy…

– Đang say sưa hoạt động, nay bị giam cầm, lại bị giam cầm trên chính quê hương mình, trong hoàn cảnh ấy, ta có thể hiểu được tâm sự của nhà thơ. Chính bởi thế mà chúng ta lại càng thấy rõ hơn, tiếng hò kia có ý nghĩa như thế nào đối với người tù cách mạng trẻ tuổi lại là nhà thơ ấy.

– Tiếng hò được cất lên trong hoàn cảnh trưa vắng, càng làm cho nỗi cô độc của tác giả được nâng cao.

Câu 2(Soạn Nhớ Đồng): Chỉ ra những câu thơ được dùng làm điệp khúc cho bài thơ. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng trong việc thể hiện nỗi nhớ của tác giả?

Trả lời:

+ Những câu thơ được dùng làm điệp khúc cho bài thơ là:

– Trong bài thơ, Tố Hữu dùng khá nhiều phép điệp, nhất là điệp khúc: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ”, “Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh – 4 lần” và điệp từ “đâu – 11 lần”.

=> Hai điệp khúc đã nêu gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người đọc. Câu thơ khơi gợi nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ. Nỗi nhớ thương được so sánh bằng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (Gì sâu bằng… trưa thương nhớ, trưa hiu quạnh).

– Điệp từ “đâu” lập lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam hãm bởi bốn bức tường của nhà lao, nhà thơ chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của mình.

=> Việc sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật như đã nêu cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.

+ Hiệu quả nghệ thuật:

– Tạo nhạc tính cho cả bài thơ.

– Tạo sức ám ảnh lớn cho bài thơ, nhấn mạnh tâm trạng nhớ thương da diết của tác giả.

– Bài thơ giống như tiếng hò miên man, buồn bã của người tù.

Câu 3(Soạn Nhớ Đồng): Niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với quê hương, đồng bào được diễn tả bằng những từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu nào?

Trả lời:

+ Bài thơ trước hết sâu sắc hơn cả vẫn là những câu thơ thể hiện niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với quê hương, đồng bào.

– Trong nỗi hiu quạnh của những buổi trưa thương nhớ, Tố Hữu trở về với những điều thân thuộc

+ Ruồng tre mát thơ

+ Ô mạ xanh mơn mởn

+ Nương khoai sắn ngọt bùi

– Trở về trong tâm tưởng với cảnh quê, Tố Hữu với những “xóm nhà tranh” những con người “lưng cong xuống luống cày/ mà bùn hi vọng nức hương ngây”

=> Niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với quê hương, đồng bào được diễn tả rõ ràng, cụ thể qua:

– Hình ảnh quen thuộc, gần gũi: tiếng hò, gió cồn, ruồng tre, ô mạ, nương khoai sắn, con đường, xóm nhà tranh, ruộng đồng.

– Từ ngữ: giản dị, gợi cảm.

– Giọng điệu: thiết tha, sâu lắng.

– Âm điệu như tiếng than về nỗi quạnh hiu, cùng cực người tha thiết yêu đời, say mê hoạt động bị cách ly khỏi cuộc đời

Câu 4: Nêu cảm nghĩ về niềm say mê lý tưởng, khát khao tự do và hành động của nhà thơ qua đoạn thơ từ câu “Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi đến hết bài”.

Trả lời:

Từ nỗi nhớ thương tha thiết đối với quê hương, mạch cảm xúc của bài thơ trở về với thực tại, với niềm say mê lý tưởng, với sự khao khát tự do và khao khát hành động. Bài thơ này ra đời sau bài Tâm tư trong tù (bài thơ được viết ngay sau những ngày bị bắt) nên không hề có một chút “ảo tưởng hồn ngây” nào. Câu thơ giục giã hướng ngay về khát vọng tự do:

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi

Say đồng hương nắng vui ca hát

Trên chín tầng cao bát ngát trời…

Bài thơ kết thúc bằng điệp khúc nhớ thương nhưng đến đây sự nhớ thương đã trở thành động lực để nhà thơ hành động, trở thành một bản quyết tâm thư với chính bản thân, với lý tưởng và con đường cách mạng mà Tố Hữu mãi trung thành.

+ Tác giả đã hồi tượng về cuộc đời mình:

– Trước khi giác ngộ lý tưởng: vô định, băn khoăn.

– Khi bắt gặp lí tưởng cách mạng: say mê, hạnh phúc.

– Quay về hiện tại: buồn thảm vì bị giam cầm, khao khát tìm đến.

Câu 5: Nhận xét chung về sự vận động tâm trạng của tác giả trong bài thơ.

Trả lời:

– Bài thơ là mạch cảm xúc trôi chảy của tác giả. Sự bức bối trong nhà tù, sự cô đơn của nhà thơ bắt gặp tiếng hò quê hương tha thiết, đó là nguyên nhân khởi nguồn cho bao cảm xúc nhớ thương của nhà thơ về quê hương, về đồng bào thiết tha hướng đến cuộc sống tự do ngoài kia.

– Từ đó tác giả hồi tưởng lại cuộc đời của chính mình từ trước, khi và sau khi bắt gặp lí tưởng ánh sáng. Với nỗi khát khao trở với tự do, trở về hàng ngũ cách mạng. Để rồi từ đó càng dậy lên trong lòng nhà thơ khát khao được tự do, khát khao hành động, khát khao thực hiện lý tưởng hòng đem lại độc lập cho dân tộc, sự no ấm cho quê hương. Mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ tự nhiên mà logic. Nó rất hợp với tâm trạng của một người chiến sĩ trẻ đang khao khát hành động nhưng lại bị giam cầm, tù hãm trong nhà tù ngột ngạt.