Mục lục

Soạn Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh Trang 120-121 Ngữ văn 11 Tập 1

(Soạn Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh)

Câu 1(Soạn Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh): Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chớ tự kiêu tự đại. Tự kiêu tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu tự đại tức là thoái bộ. Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu tự mãn thì cũng như cái chén, cái đĩa.

(Hồ Chí Minh, Cần kiệm liêm chính)

– Đoạn trích trên sử dụng những thao tác lập luận nào? 

– Phân tích mục đích, tác dụng và cách kết hợp của các thao tác lập luận trong đoạn trích?

– Anh (chị) rút ra được kết luận gì về việc vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận trong một bài nghị luận?

Trả lời:

+ Đoạn trích trên sử dụng những thao tác lập luận sau:

– Thao tác lập luận phân tích:

  • Làm rõ sự “khờ dại” của tự kiêu, tự đại (vì mình hay, còn nhiều người khác giỏi hơn mình.
  • Tự kiêu tự đại nghĩa là thoái bộ nghĩa là (Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước được… nó hẹp nhỏ)

–  Thao tác lập luận so sánh:

  • Người tự kiêu tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn
  • Giúp người đọc hình dung rõ, sinh động hơn tác hại của thói tự kiêu tự đại

⇒ Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận phân tích là chủ yếu.

+ Mục đích, tác dụng và cách kết hợp của các thao tác lập luận trong đoạn trích:

– Việc vận dụng kết hợp hai thao tác lập luận phân tích và so sánh trong đoạn trích này, giúp cho người đọc có được những hình dung, những hiểu biết về tính tự kiêu tự đại trong mỗi con người.

– Giúp người đọc nhận ra rằng bản thân sự hiểu biết của con người bao giờ cũng hạn hẹp và có giới hạn nhất định “biển học vô bờ” những kiến thức ta biết đươc chỉ như những hạt cát giữa đại dương.

+ Kết luận về việc vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận trong một bài nghị luận:

– Việc vận dụng nhiều thao tác lập luận trong một bài văn nghị là một điều tất yếu. Không có một văn bản nghị luận nào mà chỉ sử dụng một thao tác lập luận duy nhất, cần có sự kết hợp để bài văn linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn.

– Tuy nhiên, trong mỗi bài văn đoạn văn thì thường chỉ có một thao tác chủ đạo còn các thao tác khác chỉ là bổ trợ cho thao tác chủ đạo.

– Trong đoạn văn, thao tác lập luận phân tích là thao tác đóng vai trò chủ đạo còn thao tác so sánh chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi. Cần căn cứ vào mục đích nghị luận để lựa chọn thao tác lập luận thích hợp.

Câu 2: Vận dụng kết hợp phân tích và so sánh hãy viết đoạn văn bàn về vẻ đẹp của một bài thơ bài văn.

Trả lời:

Bài thơ lựa chọn: Vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến

Mùa thu là một đề tài của thi ca muôn đời. Mỗi người thi sĩ sẽ có những cái cảm nhận riêng về mùa thu để từ đó kho tàng thơ ca về mùa thu càng trở lên phong phú và đặc sắc hơn. Một trong những bài thơ miêu tả về mùa thu rất chi là đặc sắc không thể không kể đến đó chính là bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến. Đây là bài thơ điển hình về phong cảnh làng quê Bắc Bộ.

Trong bài Câu cá mùa thu bức tranh mùa thu được hiện lên với sự cổ điển, tĩnh lặng trong từ cảnh đến tâm của người nghệ sĩ.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Mùa Thu với Nguyễn Khuyến không chỉ có tiết trời se se lạnh mà nó còn hiện hữu trong làn nước trong veo lạnh lẽo. Cái lạnh thấm vào da thịt. Dường như sự trong veo của nước đó khiến người nhìn có thể xuyên thấu tới tận đáy. Bên cạnh đó Nguyễn Khuyến còn cảm nhận được rằng “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”, sóng rất nhẹ và rất nhanh, khiến ta cảm nhận được sự tĩnh lặng nơi đây.

Không gian được mở rộng ra khi:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Qua câu thơ chúng ta có thể cảm nhận được rằng trời cao xanh xanh, một độ cao thăm thẳm của không gian. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi, ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng, vắng teo. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Trong cái không gian thu đầy tĩnh lặng ấy con người xuất hiện chỉ là một nét vẽ rất nhỏ, rất khẽ. Cuối bài thơ chúng ta còn cảm nhận được rằng không gian đầy chất thu ấy hiện lên dáng người ung dung bất động: Tựa gối buông cần lâu chẳng được. Không gian ao nhỏ hẹp, kết hợp với dáng dáng ngồi “tựa gối” thu mình trong chiếc thuyền bé tạo nên sự hòa hợp bất ngờ giữa người và cảnh. Dường như cái không gian ấy thật nhỏ bé.

Âm thanh tiếng cá đớp đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của ao thu. Dường như không gian yên lặng đến mức mà chúng ta có thể cảm nhận được cả tiếng cá đớp dưới chân bèo. Với bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh bức tranh thu cổ điển dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến hiện lên thật trong lành, thanh tĩnh và yên bình.

Bên cạnh nét cổ điển bài thơ còn cho ta thấy được bức tranh làng quê mang đậm nét đồng bằng Bắc bộ với hình ảnh ngõ trúc, thuyền câu, ao bèo… Cùng với việc sử dụng tài tình vốn ngữ của mình ông đã thổi hồn vào bức tranh mùa thu, bức tranh thiên nhiên đó. Với ngòi bút đậm chất hội họa và vô cùng tinh tế, Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh mùa thu nên thơ với những nét đặc trung nhất của mùa thu ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Qua bức tranh làng cảnh Việt Nam vào thu người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, niềm tha thiết với cuộc đời sâu sắc của tác giả và ta còn thấy được tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Khuyến.

a. Coi phần văn bản anh chị sẽ viết là một bộ phận của một bài văn hoàn chỉnh và cho biết:

– Chủ đề của bài văn ấy là gì?

– Để làm sáng tỏ chủ đề ấy, cần phải nêu những luận điểm cụ thể nào? Hãy sắp xếp những luận điểm đó thành một dàn ý rành mạch hợp lý.

– Đoạn văn anh chị dự định viết sẽ làm sáng tỏ luận điểm nào? Luận điểm ấy nằm ở phần nào trong dàn ý? Cần chuyển ý bằng cách nào để phần văn bản anh chị viết có thể liên kết được với đoạn văn trước đó.

Trả lời:

+ Chủ đề bài văn: Vẻ đẹp của bài thơ “Câu cá mùa thu” – Nguyễn Khuyến.

+ Luận điểm cần có:

– Vẻ đẹp nội dung của bài thơ.

– Vẻ đẹp nghệ thuật của bài thơ.

– Tài năng sáng tạo, tấm lòng của tác giả.

+ Đoạn văn dự định viết sẽ làm sáng tỏ vẻ đẹp nghệ thuật của bài thơ. Luận điểm này nằm ở phần giữa thân bài.

+ Chuyển ý: Trong một tác phẩm văn chương, đặc biệt là thơ ca, một nội dung ý nghĩa luôn được chuyển tải bởi một hình thức nghệ thuật độc đáo. “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến cũng vậy, vẻ đẹp của bài thơ không chỉ đến từ nội dung mà còn đến từ nghệ thuật.

b. Anh chị sẽ đưa ra những luận cứ nào để làm sáng tỏ cho luận điểm? Cần vận dụng thao tác lập luận nào là chính (Phân tích hay so sánh) Vì sao?

– Gỉa sử anh chị đã quyết định vận dụng thao tác lập luận phân tích (Hoặc so sánh) là chính thì thao tác còn lại so sánh (hoặc phân tích) anh chị định sử dụng ở phần nào và sử dụng như thế nào để việc trình bày hợp lý, rõ ràng có sức thuyết phục và hấp dẫn.

– Phải kết hợp thao tác lập luận chính với thao tác lập luận hỗ trợ như thế nào để đoạn văn không rời rạc mà gắn bó với nhau một cách hợp lý?

Trả lời:

+ Những luận cứ để làm sáng tỏ cho luận điểm:

– Cách gieo vần “eo” độc đáo, tạo cảm giác về không gian nhỏ hẹp, co dần lại.

– Thủ pháp lấy động tả tĩnh.

– Điểm nhìn nghệ thuật đặc sắc.

– Sử dụng từ láy.

– Sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

+ Thao tác lập luận chính là Phân tích, nhằm làm nổi bật đặc trưng nghệ thuật của bài thơ.

+ So sánh sử dụng ở phần thân bài:

– Vẻ đẹp nội dung: so sánh bức tranh thiên nhiên mùa thu của Nguyễn Khuyến với bức tranh thiên nhiên mùa thu trong thơ trước và sau ông.

– Mở rộng vấn đề (so sánh thơ về mua thu của Nguyễn Khuyến với những bài thơ thu khác).

+ Phải kết hợp nhuần nhuyễn hai thao tác, thao tác phân tích là trung tâm, nhằm khẳng định vẻ đẹp của tác phẩm, thao tác so sánh là bổ trở, nhằm nhấn mạnh sự đặc biệt, sáng tạo.

c. Diễn đạt các ý đã tìm được thành một hoặc một số đoạn văn.

Trả lời:

Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp được cảm nhận từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng và nhiều hướng khác nữa, điều này đã góp phần làm cho cảnh đẹp của mùa thu được mở rộng hơn và sinh động, gần gũi hơn. Tất cả mọi cảnh vật cũng được nhuốm màu thu, từ ao thu đến bầu trời thu rồi đường thôn ngõ xóm đều mang hồn thu, cảnh thu đã bao trùm lên khắp ngôi làng ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Hồn thu được gợi lên từ những hình ảnh hết sức đơn sơ, bình dị và thân thuộc, là ao nhỏ nước trong veo với sóng biếc gợn, là thuyền câu bé tí, lá vàng khẽ đung đưa, rồi là những đám mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co… tất cả hòa hợp với nhau tạo nên một cảnh thu thật sống động và chân thực.

Bên cạnh việc góp mặt trong khung cảnh mùa thu, những đường nét và màu sắc còn có tác dụng gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc về hình ảnh một buổi sớm mùa thu rất đỗi yên bình, khung cảnh mùa thu của vùng đồng bằng Bắc bộ hiện lên với bầu trời trong xanh cao rộng, những ao chum trong vắt phản chiếu bầu trời và màu lá, thôn xóm hun hút và quanh co bên những rặng tre, khóm trúc. Tác giả Nguyễn Khuyến đã vẽ ra bức tranh ấy với thần thái tự nhiên khiên cho chúng ta là người cảm nhận bức tranh ấy không khỏi ngỡ ngàng và xúc động, cảm giác như chính mình được đắm chìm trong khoảnh khắc mát lành của mùa thu ấy trên quê hương của chúng ta.

Trong bài thơ, điểm nhấn mạnh đó chính là bức tranh câu cá mùa thu, đây là một bức tranh vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên lại vừa mang sự tĩnh lặng và nhuốm buồn. Đó là một không gian vắng người lặng tiếng “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, mọi sự vật hiện tượng dường như vận động một cách nhẹ nhàng và khẽ nhất có thể: sóng khẽ gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng, cá đớp mơ hồ… Tuy đó là sự miêu tả một cách chân thật nhất nhưng âm thanh, tiếng động của cảnh vật mùa thu nhưng nó không mang lại sự sôi động cho bức tranh mùa thu mà ngược lại, chính những vận động và âm thanh ấy lại càng làm tăng thêm sự tĩnh mịch của nó.

Câu 3: Công việc ở nhà:

a. Vận dụng kết hợp các thao tác phân tích và so sánh để viết đoạn văn trình bày một luận điểm khác ở dàn ý mà anh chị đã xây dựng.

Trả lời:

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên gần gũi với làng quê:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

“Ao” là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người nông dân. Thời tiết chuyển sang mùa thu, ngay cả cái ao cũng mang hơi hướng, âm hưởng mùa thu với làn nước mát lạnh và trong veo. Trong khung cảnh mùa thu với ao nước trong xanh, làn nước mát lạnh ấy là hình ảnh chiếc thuyền câu của người thi sĩ nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian rộng lớn trở nên “bé tẻo teo”. Khung cảnh thiên nhiên, bức tranh mùa thu trở nên đẹp đẽ và mang màu sắc riêng biệt không lẫn với bất cứ nơi nào.

Bức tranh mùa thu ở làng quê được miêu tả ở những cảnh vật thân thuộc khác:

“Sóng nước theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Làn gió thổi lăn tăn sóng trên mặt nước “hơi gợn tí” làm cho bức tranh tuy động nhưng vẫn tĩnh. Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợn gợn gợi cảm giác thanh bình. Hình ảnh chiếc lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất được miêu tả sinh động “khẽ đưa vèo” vừa gợi sự mỏng manh yếu đuối của chiếc lá bị gió cuốn bay vừa gợi âm thanh mùa thu – âm thanh của những chiếc lá rơi.

Bầu trời mùa thu mang vẻ đẹp thanh bình:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Bầu trời mùa thu có những đám mây lơ lửng trên không trung tầng tầng lớp lớp nhưng vẫn để lộ ra khoảng trời trong xanh tạo ra bầu không khí dịu mát. Thêm vào đó là quang cảnh xung quanh thi sĩ với con ngõ chạy quanh co nhưng vắng lặng không một bóng người làm cho không gian trở nên vô cùng yên tĩnh.

b. Viết một văn bản nghị luận ngắn về một phẩm chất của người học sinh trong đó có vận dụng kết hợp các thao tác phân tích và so sánh.

Trả lời:

Để có thể thành công trong cuộc sống đòi hỏi mỗi chúng ta phải rèn luyện nhiều kĩ năng và phẩm chất tốt. Một trong số những yếu tố để làm nên con người thành công đó là tự lập. Tự lập là đức tính rất đáng quý và vô cùng cần thiết cho giới trẻ ngày nay.

Trước hết, chúng ta cần hiểu tự lập là gì? Tự lập nghĩa là do chính bản thân ta làm ra, hoàn toàn không phụ thuộc vào ai. Đó là tự suy nghĩ, tự hành động, tự đưa ra các quyết định đời mình.

Từ nhỏ, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ dạy đức tính tự lập bằng những việc làm đơn giản đầu tiên như tự đánh răng, tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn… Càng lớn, con người lại càng phải tự lập. Nhờ có tự lập, chúng ta mới có thể sinh sống và tồn tại, giống như chú chim non rời tổ để tự vỗ cánh bay đi kiếm thức ăn, con thú xa mẹ để học cách săn mồi, duy trì sự sống. Chúng ta không thể sống mãi trong vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ như hồi còn bé. Trưởng thành đồng nghĩa với việc ta phải tự lập nhiều hơn, đó là khi ta đứng trước ngã rẽ cuộc đời, phân vân không biết đi ngả nào, đó là lúc ta chọn cho mình một niềm đam mê và mơ ước. Khi đã tự lập, ta có thể tự tin, đứng hiên ngang trước mọi sóng gió cuộc đời mà không sợ bị quật ngã. Macxim Gorki vốn phải tự lập từ rất sớm. Ông khẳng định: Cuộc đời chính là trường đại học của tôi. Nhờ có những năm tháng gian nan, vất vả, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, ông đã rèn luyện cho mình được đức tính tự lập và vốn sống, vốn kinh nghiệm đáng quý.

Không chỉ thế, tự lập còn giúp chúng ta khẳng định chính bản thân mình. Nếu chúng ta cứ mãi dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, lâu ngày, ta sẽ biến chính mình thành con kí sinh trùng, không thể tạo ra những giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Thực tế đã chứng minh, những người thành công là người có tính tự lập từ rất sớm. Người Nhật nổi tiếng vì họ được dạy cho tự lập từ khi còn là những cô, cậu bé mấy tuổi. Ta thường thấy trẻ em Nhật Bản tự đi đến trường không cần bố mẹ đưa đón, ở trường cũng tự làm vệ sinh lớp học. Cách giáo dục ấy đã tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội Nhật Bản, đưa Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là nhiều người trẻ vẫn không thể sống tự lập, dựa dẫm vào gia đình, bố mẹ. Những người ấy thường trở thành gánh nặng cho mọi người và sẽ sớm bị xã hội đào thải. Thực trạng này có thể dễ dàng bắt gặp ở những đứa trẻ quen được bố mẹ chiều chuộng, đến khi bước vào đời thì bỡ ngỡ, lúng túng, không thể làm chủ cuộc sống của mình.

Mỗi chúng ta nên rèn luyện đức tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Dân gian ta đã có câu: “Có khó mới có miếng ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Những việc có thể làm được thì nhất quyết ta không nhờ người khác giúp đỡ, độc lập từ trong chính suy nghĩ, hành động của mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự làm chủ cuộc đời của mình, đạt được những thành công trong cuộc sống.

Tự lập là phẩm chất mà ai cũng cần có trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, sống tự lập không có nghĩa là thu mình vào trong vỏ ốc, chúng ta cũng cần hòa mình với tập thể và biết lắng nghe ý kiến từ người khác để hoàn thiện chính bản thân

c. Sưu tầm những đoạn văn hay, ở đó tác giả đã thành công trong việc vận dụng kết hợp các thao tác phân tích và so sánh.

Trả lời:

Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)

– Phân tích: Quyền bình đẳng của nhân loại, của mỗi dân tộc.

– So sánh: Tuyên ngôn độc lập của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp; Luận điệu xảo trá và hành động xâm lăng của bọn thực dân.