Càng đi sâu phân tích Tây tiến khổ 1 ta càng thấy nét đẹp của người lính trong kháng chiến được bộc lộ rõ. Đó là nét đẹp của những người lính đã sẵn sàng bỏ lại những giấc mơ còn dang giở để tiếp bước ước mơ lớn của dân tộc. Thế nên, những người chiến sĩ ấy luôn mang trong mình tâm thế vui vẻ, hạnh phúc, mặc dù trên đường hành quân gặp bao nhiêu khó khăn, vất vả. 

Phân tích tây tiến khổ 1 chi tiết

Mở bài

Quang Dũng (1921 – 1988) là một nhà thơ đa tài. Đời thơ của ông gắn liền với giai đoạn lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Các tác phẩm của ông thường mang những điều chân thật, gợi lên tình yêu quê hương, đất nước, con người. Tây tiến là một trong những tác phẩm như vậy. Bài thơ là kỷ niệm không bao giờ quên, nhắc nhở về một thời gian khổ, oanh liệt nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Đặc biệt qua 14 câu thơ của khổ 1, nhà thơ đã khắc họa rõ nét những nỗi niềm nhớ thương và sự tự hào dân tộc. Đó là những kỷ niệm khắc sâu vào trong tim của người lính. 

Phân tích Tây Tiến khổ 1
Khổ 1 bài thơ Tây Tiến khắc họa nỗi nhớ Tây Bắc sâu sắc

Thân bài 

Phân tích Tây tiến khổ 1 – Khổ 1 bài thơ Tây tiến bao gồm 14 câu thơ. Thông qua đó, tác giả đã tái hiện một cách chân thực nhất về thiên nhiên, con người Tây Bắc. Quang Dũng đã lấy thiên nhiên hùng vĩ làm nền để làm nổi bật lên sức mạnh của người lính trên đường hành quân. 

  • Luận điểm 1: Ký ức về đoàn quân Tây Tiến và núi rừng Tây Bắc

Bài thơ được mở đầu bằng nỗi nhớ da diết. Đó là nỗi nhớ không thể nào nguôi ngoai khiến người đọc phải thổn thức, khắc khoải:

Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi!

Ở đây, Quang Dũng đã sử dụng lời gọi “Tây Tiến ơi!” nghe sao thân thương mà quặn lòng, Dường như tác giả nhớ đồng đội, nhớ từng nơi đoàn quân Tây Tiến đã đi qua đến da diết. Nỗi nhớ “chơi vơi” ấy gợi lên cả thời gian, không gian và cả tầm cao nữa. Dường như nỗi nhớ ấy cứ bền bồng, quanh quẩn trong tâm trí của tác giả. Núi rừng Tây Bắc có lẽ đã trở thành tri kỷ, gắn bó máu thịt với đoàn quân Tây Tiến, thế nên dù đi xa rồi, người lính vẫn nhớ về những điều bình dị ấy. 

Hình ảnh người lính hiện lên hào hùng

Cứ thế, nỗi nhớ lan thỏa, thấm đượm trên từng câu chữ. Bao kỷ niệm chồng chất ùa về chân thực như chính tác giả đang đứng trên mảnh đất rừng núi Tây Bắc vậy.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Những địa danh như Sài Khao, Mường Lát đã gắn bó máu thịt với đoàn quân Tây Tiến. Thế nên, nhắc đến những địa danh  ấy càng cảm thấy ký ức ùa về. Đúng như Chế Lan Viên từng viết “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi bỗng đã hóa tâm hồn”. Mỗi bước chân đi của người lính đều in dấu vết trên mảnh đất ấy. Thế nên, dù hình ảnh người lính hành quân mệt mỏi trong sương mù giăng kín, nhưng ký ức ấy hiện về rõ ràng, chân thực đến bất ngờ. Bên cạnh sự gian khổ ấy, vẫn có những điều rất nên thơ, độc đáo. Ở đây, Quang Dũng đã sử dụng những từ ngữ sinh động, thay vì hoa nở sẽ là hoa về, thay vì đêm sương sẽ là đêm hơi. Những hình ảnh ấy càng làm câu thơ thêm đẹp, huyền ảo. Dường như cái mỏi mệt của đoàn quân đã tan biến hết trong lớp hơi sương dày đặc ấy. 

  • Luận điểm 2: Đường hành quân gian khổ và sự hy sinh cao cả của người lính

Nỗi nhớ của tác giả không chỉ ở những địa danh nơi đoàn quân đi qua, mà những gian khổ, khó khăn trong chặng đường ấy cũng được nhắc đến thật nhẹ nhàng. 

Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Bằng sự tinh tế, Quang Dũng đã thể hiện rõ nét hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng vô cùng khó khăn cho những người lính. Những con dốc “khúc khủy” sâu thăm thẳm được bao trùm bởi những “cồn mây” dày đặc. Có lẽ những hình ảnh ấy phải đến Tây Bắc mới cảm nhận được một cách chân thật nhất. Không phải là những đám mây lơ lửng, Quang Dũng đã sử dụng “cồn mây” để miêu tả sự dày đặc của nó. Dường như những cồn mây ấy che khuất mọi tầm nhìn, khiến không trung trở nên u tịch, lãnh lẽo. 

Không chỉ là những con dốc khúc khủy, thiên nhiên ở Tây Bắc còn ấn tượng bởi “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Những con dốc ấy không chỉ khúc khủy với vực sâu thẳm mà còn dựng đứng khiến cho chặng đường hành quân gian khổ hơn. Dường như thiên nhiên ở đây muốn tạo ra những cái bẫy để “nuốt chửng” những người lính vậy. 

Đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến biết bao hiểm nguy rình rập

Khung cảnh thiên nhiên được Quang Dũng miêu tả với tràn đầy sinh lực, không phải là những hình ảnh mơ hồ mà rất rõ nét. Thiên nhiên như một người khổng lồ, còn những người lính Tây Tiến chỉ là những chấm nhỏ bé. Chính sự đối lập ấy đã làm tăng thêm khí phách anh hùng, tinh thần không khuất phục của những người lính. Và Quang Dũng cũng không ngần ngại nhắc tới cái chết. Đó là điều dĩ nhiên khi hành quân nơi rừng thiêng nước độc như vậy. Nhưng cách nói của Quang Dũng khiến ta thấy cái chết của người lính trở nên hào hùng đến lạ:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Nhắc tới cái chết mà như không, hình ảnh “gục lên súng mũ” giống như người lính vì hành quân mệt mỏi mà dừng lại nghỉ ngơi một chút. Vì chiến tranh, vì những khắc nghiệt của thiên nhiên, những người lính đã phải bỏ lại đồng đội, bỏ lại những ước mơ còn dang dở để nằm xuống. Với việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ ấy, Quang Dũng đã làm giảm bớt nỗi đau, nỗi u buồn về sự hy sinh của người lính. Qua đó ta lại thấy được sự ngạo nghễ, oai hùng của những người lính nơi chiến trận ấy. Nhưng cảm giác về sự hy sinh nhanh chóng được tác giả che khuất bởi những hình ảnh mênh mông của thiên nhiên:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Không chỉ bom đạn chiến trường, mà ngay cả thiên nhiên cũng như đang làm khó những người lính. Những nguy hiểm luôn rình rập những người lính trên chặng đường hành quân. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bỏ mạng nơi miền đất hoa vu ấy. Nhắc tới nguy hiểm của thiên nhiên bằng giọng điệu ngang tàng, dường như với người lính những điều ấy chẳng là gì. Dù đêm đêm “cọp trêu người” nhưng đoàn quân Tây Tiến vẫn đi vì những đồng đội đã ngã xuống, vì quê hương, dân tộc. 

  • Luận điểm 3: Nỗi nhớ đồng đội, nhớ Tây Bắc da diết

Cùng với những kỷ niệm về những khó khăn, vất vả mà đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua, tác giả đã nhắc đến nỗi nhớ mong đồng đội, nhớ Tây Bắc bằng một sự da diết:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Từ nhớ cảnh vật núi rừng, giờ đây tác giả còn nhớ cả những điều nghe vẻ mông lung. Đó là mùi “cơm lên khói”, “thơm nếp xôi”. Nỗi nhớ của tác giả dường như phải dùng tất cả những giác quan để cảm nhận. Những hình ảnh ấy gợi lên sự đơn sơ nhỏ bé nhưng lại gần gũi, ấm lòng. Dường như đó không phải là hương nếp xôi bình thường, nó chính là hương của tình quân dân, của đồng bào. 

Hai câu thơ kết thúc khổ đầu bài thơ Tây Tiến mang âm điệu nhẹ nhàng mà da diết. Đó giống như tình cảm của người lính dành cho cảnh vật, con người nơi Tây Bắc, là tình cảm chân thành, gần gũi, ấm áp vô cùng. 

Lời kết

Khổ thơ đầu bài Tây Tiến đã khắc họa bức tranh thiên nhiên, con người gần gũi, thân quen. Đó là bức tranh vừa có chiều rộng lại có chiều sâu. Thông qua đó ta cũng thấy được tâm hồn lãng mạn mà phóng khoáng của nhà thơ. Phải yêu Tây Bắc lắm, phải nhớ đoàn quân Tây Tiến lắm tác giả mới có được những cảm nhận ấy.