Bài mẫu phân tích tâm trạng đợi tàu của chị em Liên

Mở bài

“Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả đúng như vậy, Thạch Lam và tác phẩm của ông luôn chứa đựng những tâm tư, tình cảm với con người, cuộc đời. Thông qua việc phân tích tâm trạng đợi tàu của chị em Liên, những diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân vật được khắc họa rõ nét. Đồng thời cũng thể hiện cái nhìn nhân văn, nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Thân bài

Thạch Lam hoạt động nghệ thuật khá ngắn, chỉ vỏn vẹn 5 năm với vai trò là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Mặc dù vậy, tác phẩm của ông lại mang hơi hướng mới mẻ so với những thành viên khác. Mỗi câu chuyện của Thạch Lam viết lên đều chứa đựng những tình cảm sâu sắc, tha thiết với con người và cuộc đời, không rời xa cuộc sống. Ngòi bút của Thạch Lam đã đi len lỏi vào những trạng thái mơ hồ, những tình cảm tinh tế của con người. Để rồi xót thương cho mỗi nhân vật của mình.

Chân dung tác giả Thạch Lam

“Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn “không có cốt truyện”, kể về cuộc sống của một phố huyện nghèo, xoay quanh chị em Liên – An. Mặc dù không có những cao trào, “Hai đứa trẻ” vẫn thu hút sự chú ý của người đọc, để rồi chúng ta thấu hiểu và yêu thương mỗi nhân vật trong đó. Đặc biệt, đoạn trích đợi tàu của chị em Liên đã để lại nhiều xúc cảm khó tả cho mỗi người.

  • Luận điểm 1: Lý do đợi tàu

Liên và An theo bố mẹ về sống tại một phố huyện nghèo, thời gian, con người dường như không chuyển động. Mọi thứ cứ lặng lẽ trôi, chậm chạm và yên tĩnh đến đáng sợ. Thế nhưng về đêm, chuyến tàu ngang qua lại như làm bừng tỉnh cả phố huyện đó.

Dù đã rất buồn ngủ, Liên và em trai vẫn cố thức để có thể chờ tàu đến. Cô được mẹ nhờ trông quán hàng, nhưng kỳ thực, Liên không mong chờ có thêm ai đến mua nữa. Liên thức vì chờ chuyến tàu đêm ấy, như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Chuyến tàu ấy tưởng chừng bình thường, nhưng lại là thức thay đổi cảm giác và cái tù túng, ứ đọng hàng ngày của nơi đây. Cái tôi của nhân vật dường như đã được thức tỉnh và khẳng định.

  • Luận điểm 2: Trước khi tàu đến

Trước khi tàu đến, An dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn dặn dò chị nhớ gọi mình để kịp nhìn thấy tàu qua. Liên chăm chú để ý đến từng dấu hiệu của con tàu: “ngọn lửa xanh biếc”, “tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Đó là tâm trạng mong ngóng, chờ đợi với toàn bộ sự háo hức của hai nhân vật nhỏ bé.

Hai chị em Liên ngồi đợi tàu

Lúc này, “tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Cô bé đang suy nghĩ gì không ai biết, thế nhưng chắc chắn đó là giấc mơ về một tương lai tươi sáng, khác biệt với phố huyện tồi tàn, ù đọng này. Để rồi khi tàu đến, Liên cuống quýt, giục giã em, lo sợ rằng nếu chậm một chút thôi sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng ấy. Nghe chị gọi, An “nhỏm dậy”, “lấy tay dụi mắt” cho tỉnh hẳn. Hành động ngây thơ, đáng yêu ấy diễn ra nhanh chóng nhưng cũng rất đáng thương. Cả hai chị em đều mong mỏi chuyến tàu đến, không dám chậm trễ một giây phút nào. Đó là niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em. Niềm háo hức ấy như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày nơi phố huyện.

  • Luận điểm 3:  Cảnh đoàn tàu đến

Chờ đợi lâu như vậy, thế nhưng chuyến tàu ấy lại đi qua rất nhanh, dường như chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn. Chưa kể, chuyến tàu hôm ấy còn không trọn vẹn như những lần khác: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó là từ Hà Nội về. Dù mỗi ngày đều thấy tàu qua, thế nhưng lần nào Liên cũng háo hức, ngỡ ngàng, không thốt lên lời. Cô bé không trả lời câu hỏi của An, rằng con tàu hôm nay sao thưa thế. Trong đôi mắt và trái tim của Liên khi ấy, chỉ toàn ngập tràn ánh sáng, tiếng nói cười của đoàn tàu chạy qua. Và có lẽ, Liên cũng khao khát được hòa mình vào dòng người ấy, hưởng cái tươi sáng, rực rỡ ấy, mơ ước về một miền đất mới đang chờ phía trước.

Con tàu ấy mang theo một thế giới khác hẳn đối với hai chị em Liên. Đó là thế giới của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc. Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả khi được sống lại những ngày xưa khi cô được uống những cốc nước lạnh xanh xanh đỏ đỏ. Nỗi nhớ nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh cuộn trào trong tâm trí Liên. Háo hức, vui sướng đấy, nhưng khi con tàu đi qua, nó như đã chở những niềm vui, hi vọng của nhân vật đi theo, để lại nỗi buồn và niềm tiếc nuối khôn nguôi.

  • Luận điểm 4: Khi đoàn tàu đi

Con tàu đến rồi đi nhanh như chớp mắt. Sau những nhộn nhịp chóng vánh, gieo rắc vào tâm trí Liên cũng như người dân nơi đây niềm “mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày”, phố huyện trở về sự cô tịch như cũ. Con tàu đến, đem chút niềm vui nhỏ bé và hi vọng về tương lai lóe lên trong chốc lát rồi tan biến. Nó làm cho con người mơ tưởng rồi lại chìm vào trong bóng đen dày đặc của phố huyện tồi tàn. Không gian sau đó lại chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù. Ngọn đèn ấy chỉ le lói, đủ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên. Nó thể hiện nỗi tiếc nuối, niềm suy tư thao thức của Liên về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo. Đồng thời cũng là niềm khao khát của nhân vật về tương lai tươi sáng hơn, không còn bị chìm đắm trong nỗi u ám, cô tịch nơi đây.

Kết bài phân tích tâm trạng đợi tàu của chị em Liên

Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật độc đáo cùng giọng văn đậm chất thơ, Thạch Lam đã khắc họa rõ nét tâm trạng mong ngóng, bồi hồi của chị em Liên khi đợi tàu. Đồng thời cũng cho thấy cái nhìn vị tha, trân trọng những ước mơ nhỏ bé của mỗi nhân vật của tác giả. Đó là cái nhìn nhân văn, nhân đạo, giàu tình yêu thương sâu sắc của Thạch Lam.

Xem thêm: Phân tích khổ cuối bài Tràng giang