“Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm ca ngợi về phẩm chất con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã khéo léo ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người dân Tây Nguyên qua hình ảnh cây xà nu. Cùng phân tích cây xà nu – hình ảnh biểu tượng quan trọng nhất xuyên suốt toàn truyện.

Mở bài phân tích cây Xà Nu

Nguyễn Trung Thành được biết đến là nhà văn của Tây Nguyên với những áng văn đậm chất sử thi. “Rừng xà nu” là truyện ngắn tiêu biểu của ông viết về non nước và con người nơi đây. Nó khắc họa và lột tả được mảnh đất và con người Tây Nguyên trong khoảng thời gian chống Mỹ gian khó. Rừng và cây xà nu là hình ảnh xuyên suốt tác phẩm, trở thành biểu tượng đầy sức sống về con người nơi đây.

Thân bài

Hình ảnh rừng xà nu trong tác phẩm được sử dụng trong mở bài, kết bài và xuyên suốt cả tác phẩm. Có thể thấy, cây xà nu không chỉ là biểu tượng cho thiên nhiên đất trời Tây Nguyên mà còn là phép ẩn dụ cho phẩm chất và con người.

  • Luận điểm 1: Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống và con người Tây Nguyên.

Cây xà nu là loài cây đặc thù và tiêu biểu cho đất trời Tây Nguyên. Nó tạo nên hình ảnh non nước hùng vĩ và hoang dã cho bối cảnh của truyện. Người dân làng Xô Man từ bao đời nay đã hòa cùng rừng xà nu trong những thời khắc lịch sử quan trọng. Cây xà nu liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Từ lửa xà nu cháy trong mỗi bếp nhà và cũng là ngọn lửa kêu gọi dân hàng tập hợp ở nhà ưng. Cho đến bảng cho Mai và Tnú học chữ cũng từ cây xà nu. Rừng xà nu còn giúp người dân giấu giáo, mác, dụ, rựa để chuẩn bị nổi dậy. Cả rừng xà nu bao bọc cho buôn làng khỏi những trận bom của địch, không cây nào không bị thương tích. Nhưng cũng chính nhựa xà nu bị quân địch làm mồi châm đốt tay Tnú. Mọi sự kiện của làng đều ẩn hiện bóng dáng của cây xà nu, con người và thiên nhiên thân thiết như hòa làm một.

Rừng xà nu bao bọc quanh núi rừng Tây Nguyên
Rừng xà nu bao bọc quanh núi rừng Tây Nguyên

Hình tượng cây xà nu đã trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng, chứng kiến những nỗi đau mà dân làng phải chịu. Mở đầu, nhà văn đã khái quát “làng trong tầm đại bác của đồn giặc”. Điều này đã trở thành chuyện hết sức bình thường “Chúng nó bắn đã thành lệ, …sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy”. Tác giả đã thể hiện được khung cảnh khốc liệt của chiến tranh gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Xô Man. Ngay cả thiên nhiên núi rừng cũng phải gánh chịu những đau thương “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”.

Chú ý khi phân tích cây xà nu, cần thể hiện được màu sắc và không gian Tây Nguyên được mang lại. Đồng thời cho người đọc thấy được tầm quan trọng và quen thuộc của cây xà nu với cuộc sống người dân nơi đây.

  • Luận điểm 2: Phân tích cây xà nu – hình ảnh biểu tượng cho số phận và phẩm chất con người Tây Nguyên.

Tác giả đã miêu tả song hành hình tượng cây xà nu và con người Tây Nguyên. Đầu tiên là nói về số phận dân làng trong lúc chiến tranh. Thứ nhất, thương tích của rừng xà nu do đại bác bắn cũng giống như những tổn thất mà dân làng phải gánh chịu. Vết thương nhựa ứa ra của từng cây đau đớn như vết thương và sự hy sinh của mỗi người dân. Ngay cả những cây non cũng bị chặt đứt làm đôi giống với số phận đứa con của Mai và Tnú. Những cây trưởng thành đại bác bắn không nổi thì lại giống như Tnú và Dít, kiên cường đứng dậy từ đau thương.

Thứ hai, cây xà nu có đặc tính ham ánh sáng tượng trưng cho niềm khát khao tự do của người dân Tây Nguyên. Nó thể hiện con người Tây Nguyên cũng vậy luôn khao khát và hướng về tự do. Dù cho giặc có dày vò xác thịt, có phải chiến đấu đến hy sinh thì người dân nơi đây vẫn kiên trì nuôi bộ đội. Vẻ đẹp của cây xà nu và người dân được ngời sáng từ những đau thương, mất mát. Đồng thời, đặc tính này cũng thể hiện cho suy nghĩ và lý tưởng của người dân Xô Man hướng về Đảng Cách Mạng.

Người dân Tây Nguyên kiên cường chống giặc, bảo vệ tự do
Người dân Tây Nguyên kiên cường chống giặc, bảo vệ tự do

Thứ ba, khả năng sinh sôi mãnh liệt của cây xà nu gợi liên tưởng đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ sau. Nguyễn Trung Thành viết “trong rừng ít có loài cây sinh sôi, nảy nở khỏe như vậy, cảnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình mũi tên, lao thẳng lên bầu trời”. Thế hệ của người dân Xô Man cũng tiếp nối như thế, liên tục đứng dậy.

Chỉ cần phân tích cây xu nu, ta có thể thấy được phẩm chất và tính cách của từng nhân vật. Cụ Mết chính là biểu tượng cội nguồn, ví như cây xà nu đại thụ che chở cho dân làng. Mai và anh Xút là số phận cây xà nu đã bị huỷ diệt dù kiên cường chống trả. Dít và Tnú có những kinh nghiệm và ý chí chiến đấu sau những đau thương đã gánh chịu. Nhà văn đã đồng nhất nỗi đau của Tnú và nỗi đau của thiên nhiên, nhựa cây tím sầm như đốt ngón tay Tnú bị thiêu cháy. Và cụ Mết ví vết thương từ những ngón tay cụt của anh giống như vết thương của cây lành lại. Bé Heng chính là đại diện cho những cây xà nu mới mọc, còn nhỏ đã dũng cảm tiếp bước cha anh.

Hình tượng Tnú gắn liền với hình ảnh cây xà nu

Tổng kết lại, khi phân tích cây xà nu, cần làm nổi bật lên nó chính là nỗi đau nhưng cũng là sức sống và sự nối tiếp của người dân Tây Nguyên. Nó mang 2 nét nghĩa, nghĩa thực và biểu tượng. Cây xà nu chính là lá chắn của dân làng trong mưa bom bão đạn. Nó cũng chính là màu sắc Tây Nguyên bao bọc câu chuyện. Đồng thời, cây xà nu còn biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do của con người nơi đây.

Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả xuất sắc hình ảnh cây xà nu. Nhờ thủ pháp đồng nhất, tác giả đã làm thiên nhiên và con người hòa làm một. Thiên nhiên song hành chiến đấu cùng dân làng và là minh chứng lịch sử quan trọng. Còn người dân thì có những phẩm chất và nét đẹp hùng vĩ như thiên nhiên. Bút pháp miêu tả độc đáo kết hợp cùng âm hưởng trang trọng của ông đã tạo nên một tác phẩm đầy chất sử thi. Nó được ví như bản hùng ca trong thời kháng chiến giúp người đọc hiểu hơn về núi rừng và con người của vùng núi cao.

Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh “Đứng ở đồi xà nu cạnh con nước lớn, nhìn đến hút tầm mắt …. đến chân trời”. Sau đó cũng kết lại bằng hình ảnh rừng xà nu bạt ngàn theo con mắt của Tnú. Lối kết mở và hình ảnh rừng xà nu lặp lại đã tạo nên chiều sâu của tác phẩm. Nó giúp người đọc liên tưởng thêm về tương lai của Tnú và người dân Xô Man. Sức mạnh của rừng xà nu sẽ trở thành sức mạnh của người dân làng. Sức mạnh ấy sẽ được đoàn kết lại, hướng về lý tưởng của cả dân tộc bấy giờ giống như triệu cây hướng về cội.

Kết bài

Sau khi phân tích cây xà nu, ta có thể cảm nhận được cách sử dụng hình ảnh tài hoa của tác giả Nguyễn Trung Thành. Ông đã làm con người Tây Nguyên và rừng xà nu hòa quyện và vẫn nổi bật. Từ đó, cho ta cảm nhận được sự dũng cảm, kiên định và hào hùng của người dân trong kháng chiến. Đồng thời toát lên được vẻ đẹp sử thi tráng lệ và giàu truyền thống văn hóa.