Bài phân tích mẫu “Câu cá mùa thu”

Mở bài 

Thiên nhiên luôn là đề tài bất tận được các thi sĩ thời xưa lựa chọn để gửi gắm tấm lòng. Câu cá mùa thu là tác phẩm nổi bật của Nguyễn Khuyến viết về đề tài này. Phân tích Câu cá mùa thu, ta có thể hiểu rõ hơn phong cách văn chương của tác giả và những tâm tư của một nhà thơ lỗi lạc về đời, về người.

Thân bài

Nguyễn Khuyến là nhà thơ trung đại, có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam. Thơ của ông nổi bật với vẻ bình dị, đời thường, câu từ không cao siêu nhưng lại sâu sắc. Cách gieo vần, lựa chọn chi tiết đều độc đáo, mang cá tính riêng. Chính vì thế thiên nhiên trong thơ ông hiện ra vô cùng sinh động. Phân tích Câu cá mùa thu sẽ làm nổi bật đặc điểm này của nhà thơ.

Phân tích Câu cá mùa thu
Tác giả Nguyễn Khuyến là nhà thơ lỗi lạc thời trung đại

“Câu cá mùa thu” hay còn gọi là “Thu điếu”, nằm trong chùm 3 bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Bài thơ hiện ra là một bức tranh thiên nhiên mùa thu êm ả, vắng lặng và đượm buồn. Đồng thơig, tình yêu thiên nhiên của thi sĩ cũng được thể hiện rõ rệt.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến gợi ra không gian, địa điểm rất đỗi quen thuộc, yên bình của làng quê Việt:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Ao thu” là hình ảnh quen thuộc có ở bất cứ vùng quê nào, đặc biệt là vùng chiêm trũng miền Bắc. Chỉ với một chi tiết nhỏ, khung cảnh tĩnh lặng, yên ả đã hiện lên rõ nét trước mắt người đọc. Sử dụng tính từ láy “lạnh lẽo” miêu tả “ao thu” càng làm nổi bật cái yên ả, quạnh hiu của không gian. Bên cạnh đó, thời gian cũng hiện ra rõ ràng. Cái lạnh lẽo ấy chắc chắn không còn là vào chớm thu lành lạnh, mà đã vào cuối thu, đầu đông. Ao “trong veo”, vừa thể hiện sự yên ả, vừa lột tả cái đượm buồn của mùa thu miền Bắc. Chỉ với một câu thơ, không gian lẫn thời gian đã được miêu tả hết sức rõ ràng, cho thấy sự tài tình của Nguyễn Khuyến.

Giữa không gian ấy, một con thuyền “bé tẻo teo” lại càng làm nổi bật cái lạnh lẽo của không gian. Ao rộng, thuyền lại bé, hình ảnh con thuyền lại càng trở nên nhỏ bé hơn, cô độc và quạnh quẽ. Cách gieo vần “eo” làm tăng thêm gấp bội nỗi buồn của bài thơ. Hai câu đề từ đã đủ giúp người đọc cảm nhận được hoàn cảnh, tâm thế của thi sĩ khi đặt bút viết ra những vần thơ ấy.

Khi phân tích Câu cá mùa thu, thiên nhiên là thứ khiến chúng ta cảm thấy rất đặc biệt. Sau hai câu đề từ, hai câu tả thực tiếp theo, tác giả tập trung miêu tả thiên nhiên, cảnh sắc mùa thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Nếu hai câu thơ trước, cảnh vật hiện lên tĩnh lặng, yên ả thì đến đây, không gian đã có sự chuyển biến nhẹ nhàng với từ “gợn”, “đưa”. “Sóng biếc” thì “gợn tí”, “lá vàng” thì “khẽ đưa vèo”. Dù là chuyển động, thì cái chuyển động ấy cũng rất đỗi khẽ khàng. Chúng dường như không làm ảnh hưởng tới cái tĩnh lặng của khung cảnh. Mà ngược lại, càng làm tăng sự yên ả của không gian. Không gian phải yên tĩnh lắm, người thưởng cảnh phải tinh tế lắm mới có thể cảm nhận rõ rệt từng chuyển động nhỏ bé ấy. Chúng len lỏi vào từng tế bào của người thi sĩ, khiến người đang tập trung câu cá cũng phải lắng tai nghe từng thanh âm dịu dàng.

Ở hai câu thơ này, không gian cũng trở nên sống động hơn với nhiều màu sắc tươi sáng. “Sóng biếc” mở ra một màu xanh rất trong, rộng của mặt ao yên bình. “Lá vàng” là màu lá cuối thu, là biểu tượng của cái thu lạnh đã đi vào biết bao áng thơ văn từ xưa đến nay. Cái trong xanh của bầu trời soi bóng xuống mặt ao, cái vàng sậm của những chiếc lá chuẩn bị xa cành vừa đẹp mà lại vừa buồn biết mấy.

Hình ảnh “lá vàng” ấy cũng xuất hiện trong những vần thơ của Lưu Trọng Lư thời Thơ Mới sau này:

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

Cho thấy sự đồng điệu của các thi sĩ khi viết về mùa thu. Hoặc cũng có thể, những vần thơ của Nguyễn Khuyến có ảnh hưởng nhất định không chỉ đến người đọc mà cả những thi sĩ thời đại mới.

Không gian yên ắng, bình yên của làng quê Việt xưa

Ở 2 câu thơ luận, thiên nhiên tiếp tục được miêu tả cụ thể, đa dạng hơn:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Đến đây, không gian được mở rộng ra, vượt ra bên ngoài góc sân, mảnh vườn. Trước tiên, Nguyễn Khuyến nâng tầm mắt lên phía trên, ngắm nhìn bầu trời “xanh ngắt”. Phải là bầu trời cao, trong, tươi sáng thì mới có một màu xanh đẹp đến thế. Khác với màu “xanh biếc” của ao trong, đến đây, màu xanh trở nên ngút ngàn và rộng lớn hơn rất nhiều. Trên bầu trời ấy là những tầng mây đang “lơ lửng” trôi, thong thả và yên bình. Sử dụng động từ láy, những đám mây như đang lười biếng, dùng dằng, nửa muốn trôi đi, nửa muốn ở lại. Phải chăng, chúng cũng đang nuối tiếc vẻ đẹp của mùa thu mà chưa muốn rời?

Không gian càng trở nên yên bình, vắng vẻ hơn với hình ảnh ngõ trúc “quanh co”, “vắng teo” không một bóng người. Thông thường câu cá sẽ có một nhóm người cùng chung sở thích tụ lại, vừa câu, vừa đối thơ, bàn luận cuộc đời. Nhưng ở đây, “khách vắng teo” lại cho thấy sự cô quạnh của một tâm hồn, chỉ có thi sĩ với không gian. Đẹp, nhưng vô cùng cô đơn.

Kết thúc phân tích Câu cá mùa thu là hai câu kết, Nguyễn Khuyến lại trở lại với việc câu cá của mình sau khi thưởng thức thiên nhiên đẹp đẽ:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Không gian vắng vẻ, lòng người quạnh hiu. Tác giả quay lại với chiếc cần câu của mình để giúp tâm hồn thêm thư thái, yên ả. Cái “tựa gối” không phải chỉ là sự chăm chú đơn thuần, mà còn chất chứa bao nỗi ưu tư của Nguyễn Khuyến. Muốn câu cá để lòng khỏi muộn phiền, thế nhưng “lâu chẳng được”, chỉ thấy cá “đớp động dưới chân bèo”. Tiếng đớp như có như không, càng làm nổi bật lên sự yên ắng, tĩnh mịch của không gian mùa thu.

Đi câu, tâm trí cần phải tập trung, kiên nhẫn. Nhưng tác giả lại không thể. Không phải vì không yêu thích, mà vì trong lòng còn nhiều bộn bề về cuộc đời. Dù đã lui về ở ẩn, nhưng việc chính sự, nỗi loạn lạc, lầm than của thời cuộc vẫn ám ảnh thi sĩ. Khiến thi sĩ khó lòng mà chuyên tâm nghỉ ngơi, hưởng thụ vẻ thanh cảnh của miền quê yên bình. Chỉ một tiếng đớp cá thôi cũng đủ khiến Nguyễn Khuyến động tâm, suy nghĩ miên man. Điều đó đã cho thấy cái tâm, cái tầm của một nhà thơ lỗi lạc, luôn lo lắng cho sự an nguy của đất nước, sự ấm no của nhân dân. Đặt vào hoàn cảnh lúa bấy giờ, ta càng thêm thấu hiểu điều đó.

Với thể thơ thất ngôn bát cú cùng lối gieo vần độc đáo, Câu cá mùa thu vừa mang nét cổ điển, vừa thể hiện rất rõ phong cách văn chương của Nguyễn Khuyến. Không sử dụng nhiều điển tích, điển cố, không sử dụng các từ khó hiểu, bài thơ hiện lên vô cùng gần gũi, giản dị như chính con người nhà thơ. Phân tích Câu cá mùa thu, cũng là hiểu hơn về cuộc sống, nhân cách và phong cách sống của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Kết bài

Thông qua bức tranh mùa thu đẹp nhưng đượm buồn, hình ảnh nhà thơ Nguyễn Khuyến hiện lên với bao tâm tư, tình cảm sâu sắc. Phân tích Câu cá mùa thu cho thấy nhà thơ vừa yêu mến thiên nhiên, vừa tha thiết cuộc đời, lại vừa lo lắng, suy tư cho những biến chuyển của thời cuộc. Ở đó, tâm thế của vị Tam Nguyên Yên Đổ nửa bình dị, nửa lại lớn lao với lòng yêu nước, thương dân mãnh liệt, chân thành.