Lặng lẽ Sa Pa trang 180-189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 trang 189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Nhận xét về cốt truyện và tình huống cơ bản của Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tác phẩm này, theo lời tác giả, là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của ai, hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của những nhân vật nào ?

Trả lời:

– Cốt truyện của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đơn giản nhưng không hề nhàm chán. Chỉ là cuộc hội ngộ giữa bốn người : ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư mới tốt nghiệp, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn.

– Tình huống truyện: Giản dị, nhẹ nhàng nhưng vẫn lôi cuốn. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên làm công việc khí tượng với người họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn.

– Tác phẩm này, theo lời tác giả, là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của: anh thanh niên làm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, hiện ra qua sự giới thiệu của bác lái xe vui tính, của bác hoạ sĩ, của cô gái trẻ.

Câu 2 trang 189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện

(Chú ý: tình huống nhân vật xuất hiện, quan hệ với các nhân vật khác; hoàn cảnh sống và làm việc, suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống; nét đẹp đáng chú ý ở nhân vật này.)

Trả lời:

* Phân tích nhân vật anh thanh niên:

– Nhân vật anh thanh niên:

+ Hoàn cảnh sống: Một anh Thanh niên 27 tuổi, sống một mình làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m

=> Cuộc sống cô đơn, khắc nghiệt, thiếu thốn, khổ cực.

+ Tình huống nhân vật xuất hiện: Qua lời giới thiệu của bác tài xế, “một người cô độc nhất thế gian”

+ Tính chất công việc: công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. 

=> Công việc thực hiện trong điều kiện thời tiết khó khăn, thử thách với mưa sương gió lạnh. Công việc đơn điệu nhưng đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chính xác, có ý thức tự giác cao.

– Suy nghĩ của anh về công việc:

+ Có lý tưởng cống hiến: đi bộ đội không được, anh tình nguyện làm việc ở Sa Pa.

+ Có tình yêu công việc:

+ Hiểu được tầm quan trọng công việc của mình

+ Nhưng luôn khiêm tốn, luôn nhắc đến công việc với thái độ vui tươi và say mê, hạnh phúc.

+ Yêu công việc: có tinh thần lạc quan, trách nhiệm trong công việc

– Tình yêu con người: “thèm gặp người”

+ Luôn quan tâm và lo lắng cho mọi người: Tặng vợ bác lái xe củ tam thất khi biết vợ bác ốm

+ Đón tiếp nồng nhiệt khi có khách tới chơi.

+ Tặng hoa cho cô kĩ sư, tặng cho mọi người một làn trứng.

+ Thích nghe kể chuyện dưới xuôi

– Tình yêu cuộc sống:

+ Luôn đề cao, trân trọng những người đồng nghiệp khác, cho rằng họ còn vất vả hơn mình nhiều

+ Luôn yêu đời, vui vẻ, nhiệt huyết

+ Tạo thú vui riêng cho bản thân giữa môi trường đầy khắc nghiệt: trồng rau, đọc sách.

– Nét đẹp đáng chú ý ở nhân vật:

+ Anh thanh niên là đại diện chung cho những người lao động nhiệt huyết, sống đẹp, cống hiến vì Tổ quốc một cách thầm lặng, vô tư.

+ Con người trung thực, giản dị, luôn âm thầm cống hiến. Tình yêu đất nước thể hiện rất đơn sơ, chân thật nhưng vô cùng đáng quý.

Câu 3 trang 189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Phân tích nhân vật ông họa sĩ.

(Chú ý: vị trí của nhân vật trong truyện, những suy nghĩ về nghệ thuật và về con người; cảm xúc trước người thanh niên ở một mình ở trạm khí tượng.)

Nhân vật này cùng với các nhân vật phụ khác đã góp phần tô đậm hình ảnh người thanh niên trong truyện như thế nào ?

Trả lời:

* Phân tích nhân vật Ông họa sĩ:

– Người nghệ sĩ say mê công việc, luôn tìm hiểu và hăng hái đi đến nhiều nơi để tìm cảm hứng sáng tạo. Ông hứa với anh thanh niên nhất định sẽ trở lại Sa Pa, dự định sẽ sống ở Sa Pa, không hề sợ buồn.

– Giàu kinh nghiệm: Am hiểu nhiều kiến thức, chỉ vừa qua Sa Pa nhưng đã nhận ra và miêu tả về nó một cách say sưa

” Có. Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác ? – Nhà họa sĩ trả lời.”

– Người họa sĩ với tâm hồn nhạy bén, tinh tế: ngay từ lần đầu tiên gặp đã cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của anh Thanh niên

– Là người dễ xúc động, luôn dành cho những người xung quan tình cảm chân thành (xúc động khi nghe lời kể về anh Thanh niên ở trạm khí tượng)

” Anh Thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao Họa sĩ lại cảm giác mình bối rối ? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhẻ, e lệ đứng giữa các luống đơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe ? Vì họa sĩ đã bắt gặp điều ông ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ để khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.”

– Luôn quan sát mọi người xung quanh và tinh tế nhận ra những cảm xúc, suy nghĩ của họ.

” Họa sĩ nghĩ thầm: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”. Ông rấ ngạc nhiên khi bước lên bậc thang bằng đất, thấy người con trai đang hái hoa”

– Luôn khao khát và yêu thương cuộc sống, yêu và say mê công việc.

  •  Nhân vật Ông họa sĩ cùng với các nhân vật phụ khác đã góp phần tô đậm hình ảnh người thanh niên trong truyện như thế nào?

– Nhân vật Ông họa sĩ cùng với các nhân vật phụ khác đóng vai trò là người chứng kiến, lặng lẽ quan sát, phân tích và nhận xét về anh Thanh niên. Từ đó góp phần khắc họa lên chân dung, tính cách của anh Thanh niên một cách khách quan, chân thực và thuyết phục.

– Những nhận xét tinh tế và óc quan sát của ông là một trong những nhân tố quan trọng trong việc khắc họa hình tượng anh Thanh niên.

Câu 4 trang 189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Trong truyện ngắn này có sự kết hợp các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Em hãy chỉ ra các chi tiết tạo nên chất trữ tình của tác phẩm và nêu tác dụng của chất trữ tình đó.

Trả lời:

– Chất trữ tình của tác phẩm thể hiện ở những đoạn tả cảnh Sa Pa: ” Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa…”

– Chất trữ tình toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn của những con người trong truyện:

+ Anh thanh niên với tính cách giản dị mộc mạc nhưng lại vô cùng lãng mạn. Lý tưởng cao đẹp, nhưng luôn khiêm nhường và bao dung.

+ Cô kĩ sư trẻ được khơi gợi nhiều tình cảm và cảm hứng khi gặp được những con người đáng trân trọng.

+ Bác họa sĩ với tâm hồn nghệ thuật tinh tế, sâu sắc.

=> Tác dụng: Làm cho câu chuyện trở nên tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng vẫn vô cùng thu hút, hấp dẫn.

Câu 5 trang 189 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Phát biểu chủ đề của truyện.

Trả lời:

Truyện ngắn lặng lẽ Sa Pa khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Tham khảo thêm bài soạn Ngữ văn lớp 9 tập 1, tại đây:

Tổng kết về từ vựng (I)

Truyện Kiều của Nguyễn Du