1. Sắp xếp đúng các dữ kiện của từng tác phẩm (tên tác phẩm, thể loại, tác giả, năm sáng tác…) trong các câu hỏi trắc nghiệm.

Trả lời:

2. Kiểm tra về truyện – Tóm tắt cốt truyện hay nội dung tác phẩm (hoặc đoạn trích)

Trả lời:

– Tóm tắt truyện ngắn Làng:

Truyện ngắn kể về ông Hai, người làng Chợ Dầu, tản cư theo đường lối kháng chiến của Đảng. Ông luôn tự hào về làng Chợ Dầu, đi đâu cũng khoe về làng. Nhưng rồi một hôm ông nghe được tin làng theo giặc. Xấu hổ, xót xa ông quyết định, dù “làng yêu thì yêu thật nhưng làng theo giặc thì phải thù”. Nhưng rồi ông chủ tịch xã đến chơi cải chính thông tin, ông Hai sung sướng mang khoe khắp nơi nhà ông bị giặc thiêu cháy. Với ông Hai, dù nhà bị thiêu cháy nhưng ông không buồn, mà ông hạnh phúc vì làng mình không theo giặc.

– Tóm tắt Lặng lẽ Sa Pa

Truyện kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng, vật lí địa cầu sống trên đỉnh Yên Sơn. Trong cuộc gặp gỡ, anh thiên niên đã kể cho hai người nghe về công việc và cuộc sống của anh. Truyện thể hiện sự đề cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm việc cống hiến thầm lặng và những phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên.

– Tóm tắt truyện Bến quê

Truyện ngắn Bến quê kể về câu chuyện cuộc đời Nhĩ. Nhĩ là người đam mê khám phá, suốt thời trẻ trai Nhĩ đặt chân đến nhiều mảnh khác nhau trên khắp thế giới qua những chuyến công tác. Nhưng hiện tại Nhĩ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, không thể tự thân di chuyển mà phải sống dựa vào vợ con. Cho đến những ngày nằm trên giường bệnh, Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, nhưng đã muộn màng. Nhĩ không còn cơ hội để đặt chân ghé thăm mảnh đất gần gũi quanh mình ấy. Thông qua câu chuyện về Nhĩ, tác giả thể hiện những suy ngẫm về triết lí cuộc đời con người.

– Tóm tắt truyện Chiếc lược ngà

Anh Sáu, một người chiến sĩ được phép trở về thăm nhà mấy ngày. Trớ trêu thay, đứa con gái nhỏ của anh là bé Thu kiên quyết không nhận anh là ba. Suốt những ngày phép, anh kiên trì lại gần con nhưng luôn bị đẩy ra xa. Bé Thu tỏ thái độ lạnh nhạt và nói trống không với anh. Không kìm nén được cơn bực bội, anh đã đánh nó khi nó hất miếng trứng cá anh gắp cho ra khỏi bát cơm. Nó bỏ sang ngoại và nói rằng không nhận ba vì anh có vết sẹo trên mặt, không giống người ba mà nó thấy trên ảnh. Khi được bà ngoại giải thích, nó quyết định về nhà. Trước giây phút tự biệt để quay lại chiến trường, bé Thu đã gọi anh là ba khiến tất cả như vỡ òa. Nó muốn khi anh quay về nhà lần sau sẽ mang tặng cho nó chiếc lược ngày. Nhưng không may anh Sáu đã hi sinh nơi chiến trường, người đồng đội của anh là anh Ba đã thay mặt anh mang về trao bé Thu.

– Tóm tắt truyện Những ngôi sao xa xôi

“Những ngôi sao xa xôi” kể câu chuyện về cuộc sống chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong – tổ trinh sát mặt đường – Phương Định, Nho và chị Thao. Ba cô gái sống trong một cái hang trên cao điểm ở tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra và đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm, nhiều khi cách cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng ba cô gái vẫn giữ được những niềm vui, những mơ mộng của tuổi trẻ. Họ gắn bó và yêu thương nhau dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và Thao hết lòng lo lắng và chăm sóc cho Nho. Trong hoàn cảnh ấy, một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi gợi lên trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.

3. Kiểm tra về truyện – Phân tích những đặc điểm nổi bật đáng chú ý của các nhân vật chính trong mỗi truyện.

Trả lời:

Mỗi tác phẩm đều có những nhân vật chính với những đặc điểm nổi bật.

Các em có thể tham khảo các đặc điểm đáng chú ý khi phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” dưới đây.

Với nhân vật ông Hai, cần phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai trong tình huống nghe tin làng Chợ Dầu – ngôi làng chôn rau cắt ông tự hào theo giặc.

CÁC LUẬN ĐIỂM PHÂN TÍCH NHÂN VẬT ÔNG HAI TRONG LÀNG

* Tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin dữ:

– Ông Hai tản cư theo đường lối kháng chiến của Đảng, ở tình huống này, tình yêu của ông Hai đã hòa nhập với tình yêu nước.

– Ông quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, ngóng tin về làng Chợ Dầu

* Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

– Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, cổ ông Hai “nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân” rồi ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được.

– Ông tủi hổ đến nỗi không dám ló mặt ra ngoài. Tâm tình lúc nào cũng nhấp nhổm, nơm nớp lo sợ khi thấy thấy đám đông nào tụ tập có nhắc tới “Việt gian”, “Cam nhông”

– Ông Hai ám ảnh, đau xót, tủi hổ, sợ hãi trước tin đồn làng chợ Dầu theo giặc

– Lúc này, trong nội tâm ông Hai diễn ra cuộc xung đột gay gắt, tình yêu nước đã bao trùm lên tình cảm làng quê

– Nhưng vì không dứt bỏ tình cảm với làng quê nên ông càng đau xót, tủi hổ.

* Tâm trạng của ông Hai khi tin đồn được cải chính

– Đang buồn thiu mặt ông Hai bỗng sáng, rạng rỡ hẳn lên

– Ông mang tin cải chính đi khoe khắp nơi và sung sướng khi khoe nhà mình bị giặc đốt.

∗ Nghệ thuật xây dựng nhân vật

– Kim Lân đã khắc họa thành công nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu làng, yêu nước tha thiết

– Tình huống cụ thể, có thắt nút, mở nút đã góp phần lớn trong việc thể hiện tính cách, diễn biến nội tâm của nhân vật

– Ngôn ngữ đặc sắc, sinh động, đặc biệt là Kim Lân đã thành công với hình thức độc thoại nội tâm sâu sắc

Câu 4: Chọn và phân tích một đoạn miêu tả đặc sắc cảnh thiên nhiên trong các truyện đã học.

Trả lời:

Ví dụ: Cảnh bãi sông Hồng trong truyện Bến quê.

Trong bài soạn Kiểm tra về truyện này sẽ gợi ý phân tích ví dụ: Cảnh bãi sông Hồng trong truyện Bến quê ở phần đầu.

Một trong những đoạn văn nổi bật trong đoạn trích “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu là đoạn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên bên bãi sông Hồng ở phần đầu, đoạn từ “Ngoài cửa sổ bây giờ… cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”.

Cảnh vật ở đoạn đầu tác phẩm được Nguyễn Minh Châu miêu tả theo cái nhìn của Nhĩ, từ gần đến xa. Trình tự quan sát này tạo ra một không vừa sâu vừa rộng: từ những bông bằng lăng đã thưa thớt ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc trời đã vào thu, tới vòm trời và sau cùng là ánh mắt của Nhĩ hướng đến bãi bồi bên kia sông.

Qua cái nhìn của Nhĩ, cảnh vật thiên nhiên của một buổi sáng đầu thu hiện ra thật giản dị, mang những vẻ đẹp riêng và được cảm nhận bằng những cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế. Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa hè đã thưa thớt nhưng lại đậm màu hơn, con sông Hồng đã mang màu đỏ nhạt của mùa thu và mặt sông như thêm rộng ra; vòm trời thì như cao hơn. Giữa không gian và cảnh sắc vốn quen thuộc và gần gũi của quê hương, nhưng với Nhĩ lại thật mới mẻ, tưởng chừng như đây là lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của quê hương. Những cảm nhận về cảnh vật thể hiện niềm tha thiết với cuộc sống, tha thiết với vẻ đẹp bình dị mà mang nhiều giá trị sâu sắc của quê hương ở Nhĩ.

Chỉ qua đoạn văn miêu tả cảnh vật qua cách nhìn của Nhĩ, Nguyễn Minh Châu khiến người đọc phải suy nghĩ về những điều mà mỗi đang hướng tới. Liệu rằng chúng ta đã chiêm ngưỡng biết bao cảnh đẹp đáng trầm trồ trên thế giới, nhưng có từng quan sát, có từng cảm nhận cảnh đẹp gần gũi quanh mình. Đây cũng là một bi kịch của đời người, chúng ta mải miết đi tìm những điều xa xôi, nhưng cảnh đẹp giản dị của quê hương lại chưa từng ngắm nhìn, đến lúc nhận ra thì đã muộn màng. Qua tình huống này, nhà văn muốn nhắn nhủ đến người đọc về lối sống chậm lại và hướng đến những giá trị sống gần gũi, đích thực.

Hy vọng bài soạn Kiểm tra về truyện trên đây sẽ giúp các em củng cổ lại những kiến thức về các tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn 9.