Mục lục

ĐỀ THI HẾT HỌC KÌ I – ĐỀ 1

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO… KÌ THI HẾT HỌC KÌ I NĂM HỌC 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 6 (CÁNH DIỀU)

Thời gian làm bài: 90 phút

A. CÂU HỎI (Đề thi hết học Kì I)

Phần I. Trắc nghiệm (4.0 điểm)

(Đề thi hết học Kì I) Đọc văn bản sau và chọn phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu hỏi 1 đến 5)

Treo biển

          Ở một cửa hàng bán cá làm cái biển, đề mấy chữ to tướng:

“Ở đây có bán cá tươi” [1].

Vừa treo biển lên, có người qua đường xem, cười bảo:

– Nhà này xưa nay quen bán cá ươn [2] hay sao mà bây giờ lại phải đề biển là “bán cá tươi”?

Chủ cửa hàng nghe nói thế, xóa ngay chữ “tươi” đi.

          Hôm sau, có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”!

Chủ cửa hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.

 Cách vài hôm lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Ở đây chẳng bán cá thì bầy cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”?

Chủ cửa hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra treo trên biển chỉ còn mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ [3] gì nữa.

          Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn lên biển, nói:

– Ôi dào, chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh. Đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá mà còn phải đề biển làm gì?

Thế là nhà hàng cất luôn nốt cái biển đi.

                  (Theo: Kể chuyện lớp 5, trang 66, NXB Giáo dục)

[1] Tươi: trong câu chuyện muốn nói đến cá mới đánh bắt về, chưa bị biến chất.

[2] Ươn: ở đây ý muốn chỉ cá không còn tươi nữa, bắt đầu biến chất và thường có mùi hôi.

[3] Bắt bẻ: vạch thiếu sót hết điều này đến điều khác để làm khó dễ.

Ảnh: internet

Câu 1. Nhân vật chính trong câu chuyện này là ai?

A. Người hàng xóm

B. Người bán cá

C. Người qua đường

D. Người đánh cá

Câu 2. Việc treo biển của người bán cá nhằm mục đích chính là gì?

A. Trang trí cửa hàng

B. Làm vui lòng người mua hàng

C. Giới thiệu hàng hoá

D. Thấy người khác làm mình cũng làm theo

Câu 3. Mọi người góp ý về việc anh bán cá treo biển chủ yếu thể hiện mục đích gì?

A. Sự quan tâm của họ tới việc làm ăn của anh bán cá

B. Thể hiện thái độ khó chịu vì những chữ viết trên biển

C. Thể hiện quan điểm riêng của họ

D. Không muốn anh bán cá bán được hàng.

Câu 4. Cách xử lý của anh bán cá cho thấy anh ta là con người như thế nào?

A. Nhanh nhẹn, hoạt bát

B. Ngốc nghếch

C. Hài hước

D. Không có lập trường

Câu 5. Câu chuyện kết thúc khi anh chủ nhà hàng cất luôn tấm biển đi có tác dụng:

A. Tạo tiếng cười vui vẻ đồng thời rút ra bài học về cuộc sống một cách nhẹ nhàng

B. Tác giả không nghĩ thêm được tình huống nào nữa

C. Tạo sự bất ngờ, hụt hẫng cho người đọc

D. Vì quy định của văn bản phải ngắn gọn.

Câu 6. Bài học quan trọng nhất mà câu chuyện gửi gắm là gì?

A. Không nên cầu kì, bày vẽ khi mở hàng quán nhỏ

B. Không nên nghe góp ý của mọi người xung quanh

C. Cần suy tính thật kĩ trước khi làm một việc gì đó

D. Cần có lập trường vững vàng trong cuộc sống

(Đề thi hết học Kì I) Đọc đoạn văn bản sau chọn phương án đúng cho mỗi câu trả lời câu hỏi (từ câu 7 đến câu 9)

Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc đại lục, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc, chủ yếu với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng coronavirus mà Tổ chức Y tế Thế giới lúc đó tạm gọi là 2019-nCoV, có trình tự gen giống với SARS-CoV trước đây với mức tương đồng lên tới 79,5%

 Các ca nghi nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán vào ngày 9 tháng 1 năm 2020. Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông ở Nhật Bản. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng vào giữa tháng 1 năm 2020. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, chính phủ Trung Quốc quyết định phong tỏa Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và hoạt động xuất – nhập khẩu đều bị tạm ngưng.

 Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi “COVID-19” là “Đại dịch toàn cầu”.

                                                              (Theo hppts:// www.Wikipedia.org)

Câu 7. Phương án nào nêu đúng căn cứ để xác định đoạn trích trên là một văn bản thông tin về một sự kiện

A. Nêu lên những nguyên nhân gây nên dịch bệnh Covid -19

B. Nêu địa điểm và các mốc thời gian quan trọng xảy ra dịch bệnh.

C. Nêu các giải pháp điều trị dịch bệnh

D. Đưa ra những khuyến cáo cho người dân phòng chống dịch bệnh

Câu 8. Các mốc thời gian trong văn bản được trình bày theo trình tự nào?

A. Từ trước đến sau

B. Từ mốc thời gian quan trọng nhất đến mốc thời gian ít quan trọng hơn

C. Trình bày không theo trật tự nào

D. Từ sau trở về trước.

Câu 9. Qua nội dung văn bản và qua thực tế,  em hiểu nghĩa của cụm từ “Đại dịch toàn cầu” là gì?

A. Xuất hiện trên phạm vi toàn cầu

B. Gây nguy hiểm cho toàn thế giới

C. Cả thế giới phải chung tay phòng chống

D. Cả ba phương án trên

Câu 10. Liệt kê ba thông tin mà em cho là quan trọng, có tác dụng cảnh báo đối với mọi người trong văn bản trên.   

Phần II. Viết (6,0 điểm)

Trong thời gian phòng chống dịch Covid -19 vừa qua, ở Việt Nam đã có nhiều câu chuyện gây xúc động về sự chia sẻ yêu thương. Em hãy kể lại một câu chuyện mà em chứng kiến hoặc được nghe kể xảy ra trong thời gian này (bài văn ngắn khoảng 2 trang)

B. LỜI GIẢI

Phần I. Trắc nghiệm (4,0 điểm)

Câu 10. Liệt kê 3 thông tin quan trọng:

  • Dịch bệnh truyền nhiễm
  • Gây tử vong
  • Ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội

 Phần II. Viết (6,0 điểm)

  • Yêu cầu về hình thức: bài văn có độ dài khoảng 2 trang, viết theo thể loại kể (tự sự)

  • Yêu cầu nội dung:

Câu chuyện được kể xảy ra trong thời gian 2 năm lại đây, trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid -19

  • Câu chuyện đó xảy ra ở đâu
  • Ai là nhân vật chính của câu chuyện đó
  • Họ làm việc gì khiến em thấy xúc động (sẻ chia vật chất, hỗ trợ công việc, chỗ ở, động viên tinh thần…)
  • Câu chuyện đó gợi cho em suy nghĩ gì về thái độ, hành động của bản thân.

(Đề thi hết học Kì I) Bài viết tham khảo

Dịch Covid -19 diễn ra trong thời gian dài, gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân trên khắp cả nước. Với tinh thần tương thân tương ái truyền thống của người Việt Nam, có nhiều câu chuyện xúc động về sự chia sẻ yêu thương. Trong rất nhiều câu chuyện được nghe, được chứng kiến, em rất thích câu chuyện đi làm từ thiện của anh “Lâm Ống Húc”

Có một lần tình cờ vào Tiktok, em nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông rất giản dị, lái chiếc xe “cà tàng” chạy khắp các đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh. Phía trước tay lái là chiếc giỏ xe chở đầy bánh mì, bánh ngọt. Phía sau lưng anh là hai sọt hàng lớn chở khẩu trang, nước uống và rất nhiều đồ dùng khác nữa. Anh “ Lâm Ống Húc” vừa chạy xe vừa nghiêng ngó nhìn bên hè phố. Những ngày thành phố giãn cách, đường phố vắng tanh vắng ngắt nhưng thỉnh thoảng ở một góc vỉa hè, có một cụ già, một người lao động cơ nhỡ không có chỗ ở hoặc không có tiền về quê, không có đồ ăn. Anh Lâm dừng xe lại và gọi họ bằng một giọng rất vồn vã, tình cảm. Anh mang đưa cho họ bánh mì, sữa, nước uống, khẩu trang… Có khi anh cầm trên tay, có khi anh bỏ đồ vào túi ni lông cho khỏi rơi. Thái độ anh rất chân thành và quan tâm nên có người ban đầu còn e ngại, sau đã cầm lấy đồ anh cho một cách rất vui vẻ. Để động viên mọi người đỡ e ngại, anh thường vừa đưa những thứ cần thiết vừa đùa vui vẻ “cô, chú cầm lấy đi, đừng ngại. Con nhiều tiền lắm á!” Xem anh tặng quà mà thấy vui lây.

Em vào theo dõi anh “Lâm Ống Húc” thấy những chuyến đi phát đồ hỗ trợ mọi người khá nhiều. Anh Lâm bảo có nhiều bạn bè hỗ trợ tiền nên anh đi mua những thứ cần thiết để giúp đỡ những bà con đang rất khó khăn trong hoàn cảnh thành phố giãn cách. Một mình anh trên chiếc xe máy cũ cứ chạy hết đường này đến phố nọ, bao giờ hết hàng thì về. Anh đi nhiều đến mức các cô chú trực ở các chốt cũng quen, cho đi qua. Anh Lâm cũng tuân thủ công tác phòng dịch, hai ngày anh lại test một lần.

Bà em bảo “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đói trong hoàn cảnh chống dịch thì những món quà như của anh Lâm và nhiều người tử tế khác nữa mang tới cho bà con lại càng đáng quý. Vì vậy, tuy chỉ là một người bình thường nhưng với việc làm không nhỏ bé chút nào, anh “Lâm Ống Húc” trở thành một chàng trai được cộng đồng mạng rất yêu quý.

Còn em thì chỉ biết ủng hộ anh Lâm Ống Húc bằng cách tặng cho anh rất nhiều tim cho những video rất ý nghĩa của anh.